Nhắc đến những “mốc son” trong ngành giao thông vận tải kể từ khi thống nhất đất nước đến nay, hầu hết những người từng công tác trong ngành này đều kể tới mô hình “khoán xe-khoán vận tải” của cựu chiến binh Hoàng Chính Hòa, ở Cầu Giấy, Hà Nội. Ông Hòa quê ở tỉnh Hải Dương, là người đã đầu tiên trong cả nước đề xuất và trực tiếp thực hiện mô hình này khi chuyển ngành về làm công tác quản lý tại Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng. Ông kể trong những năm đầu đổi mới, mỗi tỉnh có một số xe để phục sản xuất nông nghiệp và vận tải. Các xe đó được tập trung một chỗ, không giao cho ai quản lý, mà do sự điều hành của một phòng điều độ. Hàng ngày, sau khi xe chạy xong 1-2 chuyến thì người lái xe lại đưa vào trong bãi rồi về. Sửa chữa do bộ phận khác thực hiện. “Lúc đó, tôi bộ đội chuyển ngành về công ty xe khách. Tôi thấy kiểu cha chung không ai khóc nên nghĩ làm thế nào để cái xe này có chủ và đưa xe hoạt động linh hoạt hơn, hiệu quả hơn. Tôi đề nghị giao xe – khoán xe này cho cán bộ, nhân viên thực hiện việc chăm sóc, bảo dưỡng”, ông Hòa nhớ lại.

Ban đầu, việc khoán xe rất phức tạp vì có tới hàng chục khoản phải thu-chi. Việc hạch toán định mức kỹ thuật phải cụ thể, rõ ràng thì người nhận khoán mới chấp thuận thực hiện. Người lái xe – người nhận khoán, thay vì có thể cửa quyền, hách dịch thì phải chịu trách nhiệm cao hơn nên cũng khó chịu. Thế nhưng sau đó ai nấy đều nhận ra lợi ích của việc khoán xe nên đã việc chuyển đổi phương thức quản lý xe đã thành công. Trên cơ sở này, ông Hòa tiếp tục đề xuất đổi mới việc quản lý vận tải với việc “khoán vận tải”. “Khoán xe thành công rồi, chúng tôi khoán vận tải, gồm khoán chi phí, khoán tiền lương, khoán săm, lốp, xăng, dầu, bến bãi,…để tăng năng suất, hiệu quả về doanh thu”, ông Hòa nhấn mạnh

Việc khoán vận tải đã tạo được sự “đột phá” về năng suất, hiệu quả. Ông Hòa cho biết doanh thu toàn xí nghiệp tăng, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động đều được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, theo ông Hòa, thành công lớn nhất của mô hình này chính là “tiền đề” cho sự đổi mới, sáng tạo trong cách quản lý của ngành giao thông, vận tải về sau.

Cũng như ông Hòa, trở về đời thường sau khi hoàn thành nghĩa vụ với tổ quốc, cựu chiến binh Nguyễn Kim Hùng, ở xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh lại tiếp tục hăng say lao động, sản xuất. Với óc sáng tạo, ông đã cải tiến, chế tạo thành công hàng chục loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có những sáng chế đã được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Có thể kể đến là chiếc máy bơm đa năng. “Chiếc máy bơm này không chỉ bơm nước mà còn hút được bùn từ dưới đáy ao. Đáy ao có độ nông, sâu khác nhau, máy bơm sẽ tùy chỉnh để hút được bùn”, ông Hùng tự hào cho biết.

Từ một cơ sở sửa chữa nhỏ, ông Hùng đã tạo dựng được một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại máy móc, thiết bị nông nghiệp. Thông qua đây, ông không chỉ làm giàu cho đình mà còn tạo công ăn việc làm cho thường xuyên cho khoảng 40 lao động tại địa phương với mức lương từ 6 - 10 triệu/người/tháng. Anh Trần Thế Mạnh và anh Nguyễn Hữu Nam là hai trong số đó. “Chúng tôi làm ở đây thu nhập ổn định. Đặc biệt, bác Hùng không bao giờ phân biệt giữa người làm thuê và chủ cơ sở”, anh Mạnh tâm sự.

Nhìn lại quá trình phấn đấu và những kết quả đã đạt được, ông Hùng chia sẻ môi trường quân đội đã giúp tôi luyện ý chí “khó khăn nào cũng vượt qua”. Bởi có những lúc ông đã “quên ăn, quên ngủ” để tối ưu hóa các sản phẩm của mình.

Hiện nay, ông Hùng đã chuyển giao doanh nghiệp cho các con quản lý, điều hành. Tuy nhiên, phát huy truyền thống “bộ đội Cụ Hồ”, ông cũng như nhiều cựu chiến binh ở khắp các vùng miền của cả nước vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo, thông qua đó, giúp con cháu phát triển kinh tế, đồng thời, tạo công ăn việc làm, góp phần xây dựng quê hương.