Sau khi xuất ngũ, chàng trai Nguyễn Xuân Bái rời quê hương Thái Bình lên lập nghiệp ở Bắc Kạn. Mảnh đất mà ông chọn là xã Chu Hương, huyện Ba Bể - nơi mọi người thường gọi là “rừng hủi” bởi sự hoang sơ, hẻo lánh cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết. Lúc đầu ông quyết định trồng cam, mận tam hoa nhưng do chưa có kinh nghiệm nên ông liên tiếp thất bại. Dẫu vậy ông vẫn không nản chí. Ông đi các địa phương có phong trào làm VACR tốt để học tập kinh nghiệm. Đến năm 1988, sau khi vay được 2 triệu đồng, ông quyết định xây dựng chuồng trại để chăn nuôi đồng thời mua thêm máy xay xát gạo để phục vụ bà con trong vùng. Dần dần cuộc sống gia đình cũng bớt khó khăn hơn. Năm 1989 ông đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất giỏi. Ông Bái chia sẻ.

Cùng với làm ruộng, chăn nuôi, hiện nay, trong vườn nhà ông Bái đang trồng khoảng 30 cây hồng không hạt, 70 cây xoài, cùng hàng trăm gốc nhãn, vải…Ước tính mỗi năm cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài trồng cây ăn quả và chăn nuôi, gia đình ông còn trồng và sở hữu hơn 10 ha rừng với các loại cây có giá trị kinh tế cao như: lát, trám, xoan, mỡ và hồi. Để có được những kết quả như ngày hôm nay, theo ông Bái trước hết là phải có tính thần chịu thương, chịu khó, không ngại khó khăn cùng với đó là sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội.

Sau nhiều năm chiến đấu ở Tây Nguyên, ông Lê Hà Thanh ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn xuất ngũ với những vết thương trên người và di chứng của chất độc da cam. Sức khỏe kém cùng đồng lương giáo viên ít ỏi của vợ khiến cuộc sống của gia đình ông gặp không ít khó khăn. Dẫu vậy, ông không chán nản, buông xuôi, mà luôn nỗ lực xoay sở, tìm hướng đi mới để ổn định gia đình. Với tinh thần "Thương binh tàn nhưng không phế", trong mọi hoàn cảnh ông đều cố gắng là đầu tàu gương mẫu trong lao động, sản xuất và học tập. Chỉ có lao động mới giúp con người có sức khỏe làm được mọi việc. Ông Thanh tâm sự.

Với ý chí quyết tâm như vậy nên sau hơn 40 năm gây dựng kinh tế, từ hai bàn tay trắng đến nay, gia đình ông đã có của ăn của để. Ngoài khu vườn rộng hơn 4.000 mét vuông trồng các loại cây như: bưởi, cam, quýt, nho thân gỗ... gia đình ông còn trồng ngô, nuôi cá, nuôi gà... tiền lương hưu của 2 vợ chồng mỗi tháng hơn 20.000.000 đồng không phải dùng đến.

Không chỉ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ông Thanh còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Khi xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Thanh đứng lên mua lại hơn 200m đất của 10 gia đình (mỗi mét là 500.000 đồng) có con đường liên thôn chạy qua để hiến cho địa phương, sau đó ông cũng đứng lên xây lại toàn bộ tường bao cho các gia đình, đồng thời ông cũng hiến hơn 300 m đất của gia đình đang trồng cây ăn quả để làm đường, giúp bà con đi lại thuận tiện. Khi con đường làm xong, bà con còn gọi vui là con đường "Lê Thanh".

Giờ đây, tuy tuổi đã cao nhưng với lòng nhiệt tình, năng động, ông Thanh vẫn luôn tích cực, gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương. "Là đảng viên, mình phải là đầu tầu gương mẫu trước thì bà con mới làm, những gì khó khăn bà con chưa nghĩ đến thì mình phải đi trước, làm trước. Bây giờ chỉ nghĩ làm sao cho làng xóm thôi giàu đẹp là được. Mỗi khi làm được điều gì cho người dân, là khi đó tôi cảm thấy vui vẻ và thoải mái nhất" - Ông Thanh chia sẻ.

“Thương binh tàn nhưng không phế”, những lời Bác Hồ dạy năm xưa đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho nhiều thương binh, bệnh binh vượt lên hoàn cảnh, trở thành người sống khỏe, sống có ích cho xã hội./.

Mời nghe chương trình tại đây: