Năm 1970, nhà báo Vĩnh Trà nhận công tác tại Ban Biên tập CP 90 (mật danh của Đài phát thanh Giải phóng A). Khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt, ông khoác ba lô lên đường đi B làm nhiệm vụ viết tin bài phản ánh tình hình chiến sự tại mặt trận Trị Thiên - Huế. Khi đó vợ ông – nhà báo Thanh Trà cũng sắp tới ngày "vượt cạn", nhưng xung phong đi phản ánh vụ máy bay Mỹ đánh kho xăng dầu Đức Giang. Hai vợ chồng tuy mới cưới nhưng phải sống xa nhau. Dù bom đạn ác liệt nhưng giữa mỗi khoảng lặng chiến tranh, tình yêu của đôi vợ chồng trẻ lại được kết thành những vần thơ mộc mạc, xúc động.

Trong chiến tranh, thông tin liên lạc giữa tiền tuyến và hậu phương gặp khó khăn, mỗi lá thư gửi cả tháng trời có khi mới đến tay người nhận. Thế nhưng “cái khó ló cái khôn”. Trước khi đi, ông dặn vợ: "nếu ở nhà bình yên thì em nhờ người phát bài hát “gửi anh lá thư viết dở” trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam". Và trong suốt thời gian đi B, ông đã nhiều lần được nghe bài hát này và rất yên tâm về tình hình vợ con ở hậu phương.

Ở chiến trường, đêm buồn nhất của những người làm báo, người lính là làm một bữa “cà phê gạo rang” tiễn đồng nghiệp xuống vùng sâu như truy điệu sống, vì ngày mai chắc gì còn trở lại? Bỏ lại nỗi buồn cho núi rừng là họ lại phăm phăm tiến lên phía có tiếng súng. Phóng viên lính là vậy, nhà báo Vĩnh Trà tâm sự.

Trong buổi gặp gỡ thân mật này, nhà báo Thanh Trà cũng đã chia sẻ những kỷ niệm khó quên của mình trong suốt 50 năm qua. Những câu chuyện như: không được tiễn chồng đi B vì đang mang thai đứa con đầu lòng, đến kỳ sinh nở không có người thân bên cạnh. Con sinh ra không biết mặt cha; chuyện chồng xung phong lên đường làm nhiệm vụ trong chiến tranh biên giới phía Bắc mà không bàn trước với vợ; rồi sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp với gia đình bà trong giai đoạn khó khăn…Tất cả như những thước phim quay chậm nhưng rõ nét khiến bà không thể quên dù nửa thế kỷ đã trôi qua.

Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của nhà báo Vĩnh Trà cũng đến tham dự để cùng được sống lại một thời làm báo chiến trường. Nhiều câu chuyện, nhiều thuật ngữ mà chỉ những người sống và trải qua chiến tranh mới biết như: quy ước đặt tên con, ký hiệu khi viết thư hay đơn giản là nghe một bài hát trên sóng phát thanh cũng có thể biết được tình hình vợ con ở nhà…

Vợ chồng nhà báo Vĩnh Trà và Thanh Trà đã sống và làm việc trong thời chiến tranh với hai tiếng “sẵn sàng”. Có lệnh là đi. Sự khắc nghiệt của chiến tranh đã không cho phép những người lính, người cầm bút được nghĩ nhiều về bản thân về hạnh phúc của riêng mình./.