Những người lính cựu của mảnh đất Thánh Gióng đã kết nối với nhau cùng nuôi dưỡng ý tưởng “Theo dấu chân Phù Đổng” và thống nhất ra mắt Câu lạc bộ mang tên “Trái tim người lính Phù Đổng Sóc Sơn” vào đầu tháng 4 này. Có mặt trong buổi ra mắt CLB "Trái tim người lính Phù Đổng Sóc Sơn", ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, từng là người lính đi qua chiến tranh chia sẻ, ông và một số đồng đội có một ấp ủ, khát vọng cháy bỏng là làm sao viết lại những kỷ niệm sâu sắc của đời lính. Vì thế, việc ra đời những CLB trái tim người lính sẽ góp phần gìn giữ lịch sử cũng như khơi dậy truyền thống cho các thế hệ sau.

Cũng về chung vui với CLB "Trái tim người lính Phù Đổng Sóc Sơn", cựu chiến binh Đặng Trung Thành, nguyên chiến sĩ đặc công lữ đoàn 173 đã gắn bó với mảnh đất Sóc Sơn vẫn đáu đáu nhớ về những ngày tháng chiến đấu anh dũng ở đây. Mặc dù đã chuyển ngành nhưng CCB Đặng Trung Thành vẫn luôn tự hào về màu áo lính anh đã từng mặc.

Còn với CCB Lê Kim Sơn ở thôn Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, được góp sức trong việc truyền lửa truyền thống cho thế hệ trẻ chính là vinh dự của mỗi người lính cựu. Nhập ngũ năm 1971, CCB Lê Kim Sơn vào mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ai đã từng đi lính đều biết về trận tuyến Quảng Trị những năm đó vô cùng ác liệt, quân đội ta hi sinh nhiều vô kể. CCB Lê Kim Sơn may mắn được trở về quê hương. Ông đã trao tặng lại những kỷ vật thời chiến của mình, góp phần truyền dạy truyền thống cho thế hệ sau.

Tìm hiểu lịch sử cũng như tìm gặp nhân chứng của "thời hoa lửa" để hiểu thêm về những hi sinh anh dũng của các thế hệ cha anh là cách mà Ban chủ nhiệm CLB “Trái tim người lính Phù Đổng Sóc Sơn” đã và đang thực hiện, trong đó nổi bật là phong trào “Toàn dân tham gia viết sử” do huyện ủy Sóc Sơn phát động, trong hai năm (2018 – 2020). Qua đó, Ban chủ nhiệm CLB “Trái tim người lính Phù Đổng Sóc Sơn" đã tiếp cận trên 20 nhân chứng lịch sử, sưu tầm hàng trăm lá thư, nhật ký thời chiến, kỷ vật chiến trường. Đó là những nguồn tư liệu lịch sử quý báu mang tính nhân văn sâu sắc, làm cơ sở để Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách “Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn”.

Bà Nguyễn Thị Lý, nguyên là giáo viên dạy văn sử ở tổ 5 thị trấn Sóc Sơn, TP Hà Nội tham gia CLB “Trái tim người lính Phù Đổng Sóc Sơn” cho rằng, mình may mắn được tham gia CLB này bởi việc thành lập CLB không chỉ thể hiện sự đồng lòng của những người lính cựu mà còn cho thấy sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương.

Để kết nối và chia sẻ với nhiều thành phần, đối tượng, trong đó đặc biệt quan tâm, tạo cơ hội cho các bạn trẻ được tham gia diễn đàn, tìm hiểu những kí ức hào hùng của thời “hoa lửa” trên trang mạng xã hội; CLB “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn đã thành lập Diễn đàn Facebook mang tên “Theo dấu chân Phù Đổng” thu hút được đông đảo thành phần, đối tượng tham gia.

Có thể nói, với tôn chỉ mục đích: “Kết nối và Chia sẻ - Tôn vinh và Tri ân”, CLB “Trái tim người lính Phù Đổng Sóc Sơn" đã góp phần tiếp lửa truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của những người lính nhiều thế hệ với tuổi trẻ hôm nay.