Hành trình đi tìm mộ đồng đội của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Khải ở Cầu Giấy, Hà Nội bắt đầu từ năm 1995 sau chuyến đi kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhân dịp này, ông Khải cùng đoàn cựu chiến binh ở Hà Nội kết hợp đi tới các nghĩa trang dọc con đường hành quân để tìm kiếm phần mộ đồng đội. Kể từ đây ông Khải bắt đầu chặng đường đồng hành cùng các gia đình, thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt các anh.

Tháng 9/1973 do bị thương nặng, sức khỏe yếu không thể tiếp tục chiến đấu, ông Nguyễn Mạnh Khải được đơn vị đưa ra Bắc điều trị. Khi khỏe lại ông công tác ở Đoàn an dưỡng đến cuối năm 1976 thì được cử về Ban chỉ huy quân sự huyện Từ Liêm. 13 năm sau do vết thương tái phái ông được nghỉ hưu sớm. Những năm tháng sau này ông luôn nung nấu ý định đi tìm đồng đội nhưng điều kiện kinh tế khó khăn cùng với sức khỏe yếu nên dự định này đành hoãn lại. Sau chuyến đi tìm được hơn 200 phần mộ liệt sĩ dọc các tỉnh miền Trung năm 1995 ông Khải quyết định dồn hết thời gian, công sức đi tìm đồng đội cho tới bây giờ.

Ông Khải cho biết, trong các chuyến đi ông thường kết hợp với các cơ quan làm chính sách, cán bộ phụ trách Thương binh xã hội, các Hội cựu chiến binh...ở các địa phương. Ông cũng thường xuyên liên lạc tới các nghĩa trang, gặp gỡ những người quản trang để có được thông tin chính xác về các phần mộ.

Ngoài việc đi tìm các gia đình liệt sĩ để cung cấp thông tin, ông Khải còn liên hệ với đội quy tập liệt sĩ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm.

Trong cuốn Hồi ký của mình, ông Khải viết 11 mẩu chuyện nhớ lại những ký ức trong các chuyến đi tìm đồng đội. Ông nhớ mãi lần đầu sang Lào tìm liệt sĩ Nguyễn Đình Huỳnh sau hơn 40 năm chiến tranh. Các địa hình, địa vật đã thay đổi khiến ông gặp nhiều khó khăn khi xác minh, đối chiếu thông tin. Không ít lần ông gặp nguy hiểm khi đi nhầm vào những khu rừng còn bom mìn, những vũ khí gây nổ chết người còn sót lại sau chiến tranh.

Dù địa hình cách trở, hiểm nguy, nhưng khi nghĩ đến sự hy sinh quá lớn của đồng đội; nhớ đến những ánh mắt của người vợ, người mẹ đang trông chờ từng ngày, ông Khải luôn quyết tâm bám sát theo từng nguồn tin để tìm được hài cốt các anh đưa về quê nhà.

Hơn 20 năm qua, ông Khải không thể nhớ hết đã tìm thấy bao nhiêu hài cốt liệt sĩ, nhưng mỗi lần đưa được thêm đồng đội trở về giúp ông thanh thản phần nào khi xoa dịu nỗi đau mất mát của thân nhân, gia đình các anh. Ông Nguyễn Đình Giảng, em ruột liệt sĩ Nguyễn Đình Huỳnh chia sẻ: “Anh Khải đưa gia đình tôi sang bên Lào để tìm phần mộ anh trai tôi là Liệt sĩ Nguyễn Đình Huỳnh. Sau 4 năm đi tìm, chúng tôi tìm thấy và mang được hài cốt anh tôi bên Lào về. Gia đình tôi rất phấn khởi”.

Ông Trần Văn Nguyên, em trai liệt sĩ Trần Văn Đào ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội cũng rất xúc động khi tìm thấy được phần mộ người thân sau bao năm xa cách nhờ sự giúp đỡ của ông Khải: “Trong quá trình 4 năm thu thập tin tức của liệt sĩ, anh Khải rất nhiệt tình giúp đỡ gia đình tôi. Chúng tôi đi vào Quảng Nam – Đà Nẵng 4 lần, sau khi thử ADN có kết quả gia đình tôi mừng lắm, cụ thân sinh cũng mừng lắm, bao nhiêu năm rồi kể từ lúc anh tôi hy sinh từ 30/1/1969”.

Vượt hàng nghìn cây số đồng hành cùng thân nhân, gia đình liệt sĩ để đưa các anh trở về, người cựu chiến binh ấy vẫn không khi nào nản lòng. Bài thơ “Khóc bạn” như muốn nói lên tất cả tâm sự của ông:

Các anh vào quân ngũ cùng tôi

Say sưa hát bài ca ra trận

Ba đưa ra đi lòng không vướng bận

Còn tuổi học trò trong trắng thơ ngây

Xa quê đi đi mãi tháng ngày

Chung niềm nhớ thương thật nhiều về mẹ...

Mỗi lần tìm thấy đồng đội là thêm một lần cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Khải cảm thấy cuộc sống này tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Tâm nguyện của ông là vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng gia đình, thân nhân liệt sĩ trên chặng đường tìm kiếm hài cốt các anh./.