Hơn 40 năm qua dường như đau thương chưa thể xóa nhòa trong trái tim những người lính sống sót trở về sau trận chiến. Với cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thăng ở Cầu Giấy, Hà Nội, những tháng ngày chiến tranh đầy khó khăn, vất vả, những sự hy sinh thầm lặng của đồng đội và cả nỗi đau về sự mất mát vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí ông.

Năm 1972, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thăng là chàng trai trẻ mới tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cực kỳ cam go, ác liệt, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Thực hiện lệnh tổng động viên của Nhà nước, ông Thăng cùng rất nhiều thanh niên đã xung phong lên đường ra trận. Sau ngày giải phóng miền Nam, người chiến sĩ ấy lại góp mặt trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.

Đã bao lần ông xúc động khi nhớ về tuổi thanh xuân của các chiến sĩ trẻ - những đồng đội của ông đã hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt này. Ông không nhớ được bao nhiêu liệt sĩ nằm lại nghĩa trang; chỉ biết phần mộ của đồng đội chôn cất ở vị trí nào ông đều nhớ rõ.

Ông Thăng kể, nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là một khu đồi rộng lớn bạt ngàn màu xanh. Giữa nghĩa trang xanh là hơn 1.700 ngôi mộ màu trắng đã phủ lớp bụi thời gian. Trong số đó nhiều ngôi mộ ghi “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” là những liệt sĩ mà xương cốt các anh đang nằm sâu trong lòng đất chưa được tìm thấy để quy tập.

Chiến trường Vị Xuyên kéo dài, tôi là một trong những người lính được tham gia chiến đấu từ những ngày đầu. Cuộc chiến tranh biên giới ấy có lẽ sẽ chẳng ai quên được, trong ký ức của tôi vẫn in dấu hình ảnh khi chứng kiến đồng đội hy sinh – ông Thắng nhớ lại.

Ngày 12/07 hàng năm đã trở thành ngày giỗ trận “Vị Xuyên” khi hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Mỗi lần đến nghĩa trang Vị Xuyên thăm viếng, ông Thăng đều thắp nén hương thơm cầu nguyện cho đồng đội và tất cả các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống phương Bắc năm 1979 và các năm 1984-1989.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thăng luôn tự nhủ, hàng nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ đều có một cái tên chung, đó là những anh hùng hy sinh dũng cảm vì dân tộc. Các anh đã vĩnh hằng trong lòng đất mẹ Vị Xuyên nhưng sống mãi trong hàng triệu trái tim người Việt. Ông Thăng xúc động viết những câu thơ:

Mưa rơi vào nỗi đau thương

Khóc bao liệt sĩ chiến trường Vị Xuyên

Khóc người lính trẻ trung kiên

Máu đào thấm đẫm đất thiêng biên thùy

Đất về người mãi ra đi

Trời nay lã chã lệ bi nhớ người

Những vần thơ mộc mạc, chân thành của ông Thăng như thêm một lần khắc họa chân dung anh dũng, sự chiến đấu ngoan cường của hàng nghìn người lính trẻ trên dải đất Vị Xuyên Hà Giang. Các anh đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả sự sống của mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Chiến công và tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ đã trở thành cảm hứng để cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thăng sáng tác những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp sáng ngời của chủ nghĩa cách mạng.

Những câu chuyện về các chiến sĩ hy sinh trên chiến trường Vị Xuyên không thể kể hết, nhưng ông Thăng luôn nhớ tới một lời thề “Sống hóa đá, chết bám đá, thành bất tử”. Đây là lời thề của ông và đồng đội trong chiến dịch Biên giới Vị Xuyên từ tháng 4/1984 tới tháng 5/1989.

Sự can đảm của các chiến sĩ trẻ đã tiêu diệt, đánh đuổi và buộc quân xâm lăng phải rút quân về bên kia biên giới. Nhưng với ông Thăng và biết bao những người lính cựu may mắn sống sót trở về, sự mất mát hy sinh thì thật khó có thể nguôi ngoai. Đảng và Nhà nước ta, nhân dân ta sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của các chiến sĩ đã đổ máu để bảo vệ nền hòa bình của Tổ quốc. Chúng ta đã giữ vững biên cương nhưng cũng phải trả giá bằng sự hy sinh của rất nhiều đồng đội. Chúng tôi luôn ghi nhớ – ông Thăng xúc động nói.

Nhớ về những năm tháng khốc liệt không thể quên ấy, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thăng muốn nhắn nhủ tới thế hệ sau phải trân trọng sự hy sinh xương máu của biết bao người để bảo vệ từng tấc đất thiêng của Tổ quốc. Lịch sử dân tộc sẽ mãi không bao giờ quên trên dải đất biên cương, máu đào của các liệt sĩ đã tô thắm lá cờ Tổ quốc trở thành biểu tượng sáng ngời về sự hy sinh cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.