Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Hà Nội có tới 2 lần tổng kiểm tra rà soát đối với các loại hình nhà nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ, kết hợp sản xuất kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Mới đây sau vụ cháy tại phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, UBND thành phố Hà Nội lại thêm một lần nữa có công điện yêu cầu tổ chức rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn…
Thậm chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã từng chỉ đạo, những đơn vị, địa phương nào thực hiện không nghiêm túc, không đảm bảo tiến độ đề ra, để sót, lọt cơ sở thuộc diện kiểm tra, rà soát thì thủ trưởng đơn vị, chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trước UBND TP.
Nhưng thật đau lòng, ngay mới đây, lại một đêm không ngủ đối với người dân, đặc biệt là các cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi thêm một vụ cháy nhà thảm khốc nữa xảy ra tại Định Công Hạ, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến 4 người tử vong…
Ánh sáng le lói từ chiếc điện thoại di động, những cánh tay trẻ em vẫy trong tuyệt vọng cùng tiếng kêu cứu lịm dần từ tầng 6 của ngôi nhà rực đỏ lửa là hình ảnh khiến bất cứ ai chứng kiến cũng thấy đau lòng, ám ảnh khôn nguôi.
Vụ cháy này theo nhận định ban đầu có nhiều điểm tương đồng với vụ hỏa hoạn trước đó không lâu xảy ra tại phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cướp đi sinh mạng của 14 người. Ngôi nhà vừa là nơi kinh doanh buôn bán, vừa là nơi ở, sinh hoạt. Trong đó phần lớn những vị trí thuận tiện nhất lại được ưu tiên cho việc kinh doanh với hàng hoá, vật dụng… ken chặt các lối đi và vô hình trung trở thành vật cản chết người khi xảy ra hoả hoạn. Trong vòng 3 tuần, một “kịch bản” đau lòng bị lặp lại đến lần thứ hai và nó không khác gì những thảm kịch được báo trước.
Nỗi đau chồng nỗi đau khiến dư luận đặt ra một loạt câu hỏi, vì sao Hà Nội lại liêp tiếp xảy ra nhiều vụ cháy thảm khốc đến thế? Việc rà soát phòng cháy, chữa cháy ở Hà Nội đã nhiều lần được triển khai nhưng rồi hoả hoạn vẫn xảy ra, liệu có tình trạng làm cho có? Hiệu quả của những đợt rà soát, tổng kiểm tra, diễn tập ấy đến đâu trong thực tế, tác động được bao nhiêu phần trăm đến ý thức của người dân?
Ngay như trong vụ cháy ở Định Công Hạ mới đây, dư luận cũng thẳng thắn chất vấn, tại sao dù chính quyền địa phương đã yêu cầu khắc phục các quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng tại hiện trường vụ cháy vẫn ngổn ngang hàng hóa chắn kín lối đi, trách nhiệm của các đơn vị kiểm tra, giám sát như thế nào?
Một lãnh đạo của Quận Hoàng Mai (Hà Nội) khi trả lời báo chí đã khẳng định, việc rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy ở quận là "việc làm thường xuyên", nghiêm túc bám sát các chỉ đạo của thành phố. Sự việc cháy nhà làm 4 người chết trên phố Định Công Hạ là bất khả kháng. Chính quyền địa phương cũng đã từng vận động, tuyên truyền, hướng dẫn hộ dân này chú ý khắc phục các quy định về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, vẫn xảy ra vụ cháy làm 4 người chết, đúng là không may.
Đành rằng rủi may là chuyện không thể nói trước, nhưng cũng phải thẳng thắn đặt câu hỏi, liệu thời gian qua những ngôi nhà đã qua rà soát không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, thì trách nhiệm thuộc về ai? Đã có bao nhiêu người bị xử lý về những hành vi buông lỏng này?
Trong khi nỗi đau mà người dân phải gánh chịu trước những đòn tấn công của “bà hỏa” ngày một dài thêm thì cho đến thời điểm này, chưa có một cán bộ chính quyền cơ sở nào đứng ra nhận trách nhiệm trong việc liên tiếp để xảy ra các vụ cháy thảm khốc như thế.
Sự trả giá bằng tính mạng con người là nỗi đau không gì có thể bù đắp nổi. Bởi vậy đã đến lúc phải hạn chế sự ra quân rầm rộ, “bắt cóc bỏ đĩa” và cần những hành động cụ thể, sự quyết liệt nghiêm khắc của cơ quan chức năng. Qua tổng kiểm tra, rà soát những cơ sở không đủ các tiêu chí phải kiên quyết ngăn chặn hoặc không cho tồn tại. Trường hợp đã lập danh sách không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, phải xem xét rõ trách nhiệm ai là người vi phạm để xử nghiêm trước pháp luật.
Trong công điện số 59 mới đây của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Sự nghiêm khắc từ người đứng đầu chính phủ, như một mệnh lệnh, để chính quyền địa phương đặc biệt là người đứng đầu tự nhìn nhận lại, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ. Có như vậy mới mong bớt đi những đám cháy thảm khốc dồn dập như vừa qua.