Khi nhu cầu về nhà ở đang là nỗi bức thiết của hàng nghìn cư dân, liên tục được báo chí đề cập cũng như dư luận xã hội nhắc tới trong ngổn ngang lo lắng với các điệp khúc như “người dân khát nhà ở”, “chung cư tăng giá phi mã”, “nguồn cung nhà ở cạn kiệt”, thì ngay giữa các đô thị lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, có tới hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, đang ngày ngày “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thậm chí còn nằm phần lớn ở những vị trí đắc địa, những khu đất vàng của thủ đô.

Bố trí tái định cư là chủ trương, chính sách nhân văn, đúng đắn, nhằm đảm bảo chỗ ở ổn định hoặc ít nhất là hạn chế xáo trộn đời sống của các hộ gia đình bị thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng. Vậy tại sao người dân lại “quay lưng” với nhà tái định cư, thờ ơ với quyền lợi của chính mình? Bên cạnh chất lượng nhà kém, một nguyên nhân cơ bản khiến họ không mặn mà với nhà tái định cư là do không đáp ứng được nguyện vọng nhu cầu đời sống, phần lớn lại được xây dựng nhỏ lẻ, riêng biệt, thiếu hạ tầng xã hội đồng bộ và thiếu kết nối. Muôn vàn lý do và cứ thế theo thời gian, những khu tái định cư được đầu tư xây dựng hàng nghìn tỷ đồng bị bỏ hoang trở thành những khu ổ chuột, chứa "rác thải đô thị"…

Một con số thống kê, riêng ở Hà Nội và TP.HCM, hiện đang có khoảng 14.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở gây lãng phí đất đai, tiền của đầu tư xây dựng. Đó là chưa kể khoản kinh phí hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.

Liệu các cơ quan quản lý nhà nước có biết nghịch lý và cả sự lãng phí này đang tồn tại”? Hẳn nhiên là có bởi thực tế đã có hàng trăm cuộc tọa đàm hội thảo được tổ chức năm này qua năm khác để tìm giải pháp cho câu chuyện này. Nhưng rồi, mọi giải pháp, đề xuất đều chỉ nằm trên giấy, nhà tái định cư vẫn tiếp tục bị bỏ hoang, bị làm ngơ trước nhu cầu nhà ở bức thiết của cư dân đô thị…Và khi mọi điểm nghẽn tưởng như bị thắt lại cộng với tình trạng nguồn cung mới các sản phẩm nhà ở trên thị trường thời gian gần đây bị thiếu hụt trầm trọng, thì Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố phương án bán đấu giá thu hồi vốn đối với lượng nhà tái định cư dư thừa.

Dẫu không phải là một giải pháp quá mới mẻ nhưng lần này với sự quyết liệt của cơ quan chức năng, nhiều người kỳ vọng “nút thắt” nhà tái định cư sẽ được mở? Không những thế đây còn là phương án được xem như một mũi tên trúng 2 đích vừa giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai vừa góp phần cải thiện nguồn cung, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững.

Một giải pháp phù hợp đem lại lợi ích tốt nhưng từ chủ trương đến triển khai hiệu quả lại là một câu chuyện dài, phụ thuộc vào các yếu tố như tính pháp lý của dự án, vị trí, chất lượng nhà tái định cư, sự đồng thuận của các bên? Khi đấu giá rồi thì có được chuyển đổi mục đích sử dụng không? Kiến trúc hay công trình đó sau này có bắt buộc phải là nhà ở không hay có thể phá đi để xây dựng 1 tòa chung cư, 1 tòa thương mại?

Thiết nghĩ, sau rất nhiều giải pháp tháo gỡ bị thất bại thì lần này, các cơ quan quản lý nhà nước cần thiết phải có tính toán kỹ lưỡng, lường trước mọi khó khăn vướng mắc để thực sự hành động chứ không chỉ dừng ở việc họp bàn hay quyết tâm trên giấy.

"Đánh thức" nhà tái định cư bỏ hoang, không chỉ để giải quyết nhu cầu nhà ở, giúp không gian đô thị không bị nhếch nhác, bôi bẩn mà đồng thời còn góp phần khai thác tốt nguồn lực đất đai cũng như không để lãng phí ngân sách đầu tư công ở mỗi địa phương.