Theo dự kiến, giai đoạn 2023-2025, cả nước có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong 2 năm tới, dự kiến cả nước còn có hơn 600 đơn vị hành chính xã mới sau khi sáp nhập. Việc công bố kế hoạch sáp nhập và dự kiến tên gọi của các đơn vị hành chính mới nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Ngoài việc sắp xếp cán bộ, trụ sở, tài sản, đất đai sau khi sáp nhập thì việc chọn tên mới cho đơn vị hành chính là vấn đề đặc biệt quan trọng. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để việc đặt tên xã, phường có cơ sở khoa học khi nó không đơn thuần là tên gọi mà còn là “tên sông, tên núi”, gắn liền với lịch sử, văn hóa địa phương, ấy là còn chưa nói nó liên quan tới các vấn đề hành chính khác?
Việc sáp nhập làng xã là việc không mới trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển đất nước. Tuy nhiên để tạo được sự đồng thuận trong dân và việc đặt tên đơn vị hành chính mới cần phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử : Vấn đề tên gọi đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là vấn đề lớn bởi tên làng xã đa phần gắn với các địa danh cổ, có sự tích lịch sử lâu đời hoặc gắn với những chuyến di dân, những làng nghề truyền thống...Vì vậy, khi sáp nhập, thay tên mới, nếu không cân nhắc kỹ, không tạo được sự đồng thuận sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa, lịch sử và sự phát triển kinh tế của chính địa phương.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, người từng giành nhiều năm nghiên cứu về những ngôi làng Việt cho rằng: "Mỗi ngôi làng đều có đặc trưng văn hóa riêng, ở đó, tên làng giống như lịch sử cuốn sách, lịch sử đời người, cái gì gìn giữ được càng cổ càng giá trị. Rất nhiều ngôi làng cổ gắn với những ngôn từ đã tồn tại từ lâu đời, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhiều làng xã mới cũng được thành lập với cái tên mới gắn với dấu son trong lịch sử dân tộc: làng Thành Công, làng Cách Mạng, làng Độc Lập, làng Thống Nhất…nhưng rồi như một thói quen khó thay đổi, có một số nơi sau đó lại trở về tên cổ". Vì thế, ông Sơn cho rằng "không nên máy móc" đặt tên bằng cách ghép từ lại với nhau, bởi chúng sẽ trở thành cái tên "vô nghĩa".
Đừng xem nhẹ việc đặt tên làng mà phải cân nhắc dựa trên lịch sử, vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh. Đặt tên làng là công trình khoa học, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà Hán Nôm học, nhà Ngôn ngữ học…Việc đặt tên phải giữ được yếu tố lịch sử. Thậm chí, có nhà nghiên cứu còn cho rằng: Tên địa danh mới phải làm sao giữ được 1-2 từ tố cổ xưa liên quan đến vùng đất. Và nếu có thể, khi 2 đơn vị xã (phường) mà nhập lại, giữ nguyên một tên mà tên đó có từ tố liên quan đến xã (phường) kia là phương án tốt nhất để tránh xáo trộn về mặt giấy tờ hành chính. Thông thường người ta hay lấy từ đầu hoặc cuối của các tên cũ ghép lại thành tên mới. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ nên dùng khi khó khăn trong việc tạo sự đồng thuận, không tìm được tiếng nói chung.
Theo PGS.TS Phạm Quang Long- nguyên Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội: Tên làng, xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh ông cha ta đặt đều có ý nghĩa sâu sắc. Qua bao giờ thăng trầm, tạo dựng, nó không chỉ là tên gọi mà nó là lịch sử, kí ức, truyền thống… hình thành qua nhiều thế hệ. Cần xem xét đến yếu tố quan trọng ấy để cân nhắc chuyện sáp nhập.
Hiện nay, các địa mới chuẩn bị phương án dự kiến nêu trong kế hoạch tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023- 2025. Để đi đến thống nhất còn trải qua nhiều khâu, nhiều bước. Việc sáp nhập, giảm bớt đơn vị hành chính là chủ trương đúng nhưng cần coi việc xác định tên gọi đơn vị hành chính là việc hệ trọng để có sự nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng.
Cần tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất cho cách đặt tên đơn vị hành chính mới từ sự đồng thuận của người dân và các nhà khoa học. Để từ đó có được cái mới tốt hơn, không đơn thuần chỉ là sự gọn nhẹ cho cơ quan quản lý mà quan trọng, vẫn giữ được hồn cốt văn hóa, lịch sử, truyền thống./.