Ngay sau khi các trường trên địa bàn Hà Nội công bố điểm trúng tuyển, một cậu học sinh 15 tuổi ở quận Ba Đình, TP. Hà Nội do thất vọng bế tắc vì kết quả thi không đạt nguyện vọng như mong muốn nên đã nhảy cầu Long Biên định kết liễu cuộc đời. May mắn em đã được bà con và các đồng chí công an phát hiện, kịp thời ứng cứu nên bảo toàn được tính mạng.

Em học sinh này chỉ là 1 trong hàng trăm thí sinh không giành được suất học lớp 10 ở trường công trong mùa tuyển sinh năm nay có những giây phút suy nghĩ tiêu cực. Những năm trước, việc thí sinh thi trượt tự tử cũng không phải là chuyện hiếm. Nỗi đau chồng nên nỗi đau, việc thi trượt đã buồn nhưng việc các em vì đau khổ mà tìm đến cái chết để lại nỗi đau lâu dài cho cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè và nó như một vấn nạn xã hội cần tháo gỡ.

Việc thi vào lớp 10 THPT ở những thành phố lớn như Hà Nội lâu nay luôn gây bức xúc mà chưa có giải pháp nào có thể gọi là tối ưu để giải quyết. Số lượng thí sinh ngày càng đông, trong khi số trường công lập trong nội thành tăng không đáng kể, "cung không kịp cầu”. Dù đã triển khai xã hội hóa giáo dục để các em có nhiều cơ hội lựa chọn những môi trường học tập khác nhau trên cơ sở vào năng lực, sở trường, điều kiện kinh tế của gia đình, song trường công vẫn là ưu tiên hàng đầu của đại bộ phận thí sinh và phụ huynh, nhất là những trường công lập có chất lượng và chi phí học tập tương đối thấp. Chính vì vậy, với những thí sinh được cha mẹ định hướng phải cố gắng nỗ lực để vào trường THPT công lập bằng mọi giá đã rất cố gắng học tập và khi nhận kết quả thi không như mong đợi các em sẽ buồn, sẽ thất vọng và rơi vào cảm giác bế tắc vì sự cố gắng của mình không đem lại niềm vui cho cha mẹ, không đạt được kỳ vọng của bản thân … Trong tâm trạng ấy, em sẽ tự đối sánh với những bạn bè có thể năng lực học tập, sự chăm chỉ có khi không bằng mình mà lại may mắn giành được suất học ở trường công. Khi nỗi buồn đi cùng với sự xấu hổ, sự kiêu hãnh và lòng tự trọng cá nhân bị tổn thương nghiêm trọng, không có người động viên chia sẻ vực dậy tinh thần, các em sẽ nghĩ và có hành động tiêu cực đáng tiếc.

Thành công hay thất bại ở một kỳ thi không phải là dấu chấm hết của cuộc đời mỗi con người, nhất là với những em học sinh tuổi 15. Kỳ thi vào lớp 10 THPT thực sự là giai đoạn chuyển cấp quan trọng nhưng cùng với những suất học ở trường công lập các em còn rất rất nhiều cơ hội học tập ở các cơ sở giáo dục khác. Thực tế những năm gần đây đã có nhiều em thí sinh dù đỗ điểm cao ở trường công lập, song vẫn chọn trường tư thục để học, do muốn học ở trường có cơ sở vật chất tốt, có nhiều hoạt động ngoại khóa, lớp học có sĩ số không quá đông, được ăn bán trú … Và còn nhiều thí sinh thi trượt lớp 10 công lập nhưng khi vào học 3 năm THPT ở các trường dân lập lại phát huy rất tốt năng lực của mình và bứt phá ngoạn mục hơn nhiều bạn bè học ở trường công. Có em còn giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi trong nước, quốc tế nhận được học bổng du học ở bậc Đại học và có một cuộc đời khá thành công. ..

Kinh nghiệm của những người thành đạt cho thấy, ở giữa những lần thành công bao giờ cũng là thất bại. Như thế để thấy, thất bại ở một kỳ thi không làm cho cuộc đời của các em trở thành bi kịch. Điều quan trọng là cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè hãy luôn ở bên các em, động viên, khích lệ và cùng các em vượt qua sự khủng hoảng này. Đối mặt với thất bại cũng là một kỹ năng vô cùng cần thiết mà mỗi người nên tự trang bị cho mình với sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường, của thầy cô, cha mẹ, người thân, bạn bè và xã hội. Khi đối mặt với thất bại chúng ta cần phải làm gì cho dù thất bại là điều không ai mong muốn nhưng nếu nó xảy ra thì ta đối phó với nó thế nào ? Sự bình tĩnh để đón nhận thất bại ở tuổi 15 là điều vô cùng khó khăn nếu không có những cánh tay giang ra níu đỡ, không có những lời an ủi, động viên , không có sự khích lệ và tư vấn để các em vượt qua nỗi buồn, vượt lên sự thất vọng để tìm ra hướng đi mới phù hợp, với những cơ hội để khẳng định mình và bứt phá trong điều kiện hoàn cảnh mới.

Tâm lý học đường, tâm lý tuổi vị thành niên đã nói nhiều đến sự nổi loạn, đến niềm vui vỡ òa, đến nỗi buồn và sự thất vọng bế tắc, song dường như kinh nghiệm về những giải pháp khi đối mặt với thất bại vẫn cần được bồi đắp nhiều hơn để làm sao giúp các em vững vàng hơn trên con đường học hành và lập nghiệp, xem thất bại như một phần không thể thiếu trong cuộc sống trước khi đến với thành công./.