Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay có gì đó đặc biệt hơn những năm trước bởi bên cạnh các lễ kỷ niệm, các cuộc gặp mặt, tôn vinh các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, ngành giáo dục nói chung, các nhà giáo nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục nhận thêm trọng trách mới mà Đảng, nhà nước, nhân dân, phụ huynh, học sinh giao phó.
Đảng, nhà nước, các Bộ, ngành và nhân dân cả nước đã và đang đầu tư cho giáo dục, cho giáo viên, sát cánh cùng ngành giáo dục chăm lo cho sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, giáo dục và đào tạo phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa. Giáo dục phải thực chất và sáng tạo thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo.
Câu hỏi đặt ra là người thầy ở đâu trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên AI? Liệu trong thời đại số hóa, thời đại AI phát triển không ngừng, vị thế nhà giáo, vai trò của người thầy có mai một?
Người thầy giỏi không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê học hỏi, giúp người học phát triển bản thân, phát huy được năng lực và tố chất cá nhân. Xưa nay chân lý đó không hề thay đổi.
Không một chức năng của AI nào có thể thay thế vai trò của người thầy đó chính là tình yêu thương người học. Trong muôn vàn gia cảnh, hạnh phúc có, éo le có… học trò là những cá nhân cần được thầy cô yêu thương, tạo cảm hứng, ươm khát vọng tương lai. Vì vậy người thầy phải là người bạn lớn của người học, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ, dẫn dắt, tạo môi trường lành mạnh để người học phát triển toàn diện.
AI có thể hỗ trợ người học về kiến thức nhưng không bao giờ AI có thể thay thế được người thầy trong việc thấu hiểu tâm lý, cảm xúc, giáo dục đạo đức, kỹ năng xã hội cho học trò.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng mà AI không thay thế được vai trò của người thầy đó chính là khả năng truyền động lực sống và làm gương cho người học. Hình ảnh, trí tuệ, nhân cách của người thầy là hình mẫu cho người học sống có nghị lực vượt khó khăn, sống có trách nhiệm, có ước mơ…
Người thầy với kiến thức, kinh nghiệm và tình yêu thương, trách nhiệm, là nguồn sáng biểu tượng của tri thức và nhân cách sẽ luôn có vai trò dẫn dắt thế hệ trẻ tránh được những sai lầm đáng tiếc trong một thế giới không ngừng phát triển nhưng cũng đầy biến động.
Người thầy trong kỷ nguyên số đang đứng trước rất nhiều thách thức. Muốn giữ được vị thế của mình bản thân người thầy phải không ngừng nỗ lực học tập nghiên cứu, cập nhật những cái mới, nâng cao chất lượng bài giảng để học trò có những trải nghiệm học tập hứng thú, hiệu quả.
Nhiều người lo ngại AI sẽ làm giảm vai trò của người thầy. Tuy nhiên trên thực tế nếu người thầy am hiểu về công dụng của AI sẽ có thể tối ưu hóa quá trình giảng dạy, cá nhân hóa từng lộ trình học tập cho người học. AI có thể hỗ trợ người thầy đưa ra những giải pháp tốt hơn cho quá trình dạy và học. Bên cạnh đó với sự hỗ trợ của AI, người thầy sẽ khuyến khích người học phát triển tư duy phản biện và khả năng sáng tạo để tạo ra sự khác biệt, những ý tưởng mới.
Trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã có chia sẻ với các thầy cô: “Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất. Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại. Đó là đem cái bất biến ứng phó với vạn biến.”
Con người lập trình tạo ra AI, dù AI có phát triển đến đâu cũng không bao giờ có thể thay thế được con người, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Sự tận tâm, tính kiên nhẫn, tình yêu thương, tinh thần học hỏi và năng lực khơi gợi, truyền cảm hứng… của người thầy chính là giá trị mãi mãi trường tồn, AI sẽ không bao giờ có thể thay thế được.