Nhà Xuất bản Đại học Oxford, một đơn vị xuất bản Từ điển tiếng Anh Oxford của Vương quốc Anh mới đây công bố từ "Brain rot" (tạm dịch là "thối não") là "Từ nổi bật của năm 2024".
Bình chọn "từ của năm" thường niên nhằm phản ánh tâm trạng và xu hướng nổi bật của từng năm. Bởi vậy, năm nay “thối não” chiếm ngôi vị dấy lên lo ngại về những ẩn họa đến từ việc lạm dụng sử dụng mạng xã hội. Bởi, "Brain rot" (thối não) được định nghĩa là "sự suy giảm về tinh thần hoặc trí tuệ của một người, đặc biệt khi đó là kết quả của việc tiêu thụ quá nhiều nội dung tầm thường hoặc không có giá trị (đặc biệt hiện nay là nội dung trực tuyến)". Cụ thể hơn, từ này dùng để chỉ những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe tâm thần khi tiếp nhận những nội dung trực tuyến có chất lượng và giá trị thấp trên internet và mạng xã hội.
Dữ liệu về Dân số toàn cầu từ Liên Hiệp Quốc (UNWPP) cho thấy, hiện nay thế giới có 8,08 tỷ người, thì có tới 5,04 tỷ người dùng mạng xã hội, tức 62,3% dân số trên thế giới đang dùng một hoặc nhiều mạng xã hội.
Ở Việt Nam, từ khóa này có mức độ “hoành hành” hơn khi theo số liệu thống kê của một cuộc điều tra xã hội, có tới 90% thanh thiếu niên có tài khoản mạng xã hội như facebook, zalo, Instagram, Twiter... 56% người trẻ đăng nhập vào facebook cả ngày, 52% người trẻ tuổi thừa nhận rằng họ đã bị quá đam mê, gần 40% thanh thiếu niên tham gia vào việc xem và chia sẻ thông tin có tính nhạy cảm.
Những con số tự nó nói lên rất nhiều điều. Mừng có, lo có. Mừng ở chỗ nó thể hiện thanh thiếu niên Việt Nam đã bắt kịp xu thế công nghệ, có khả năng thích ứng cao với bối cảnh 4.0. Còn đáng lo ở chỗ, nhiều người trẻ dường như đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát khi sử dụng mạng xã hội, hoặc bị phụ thuộc quá mức vào chúng (hay nói cách khác là “nghiện mạng”).
Đáng lo hơn, khi theo khảo sát được Microsoft công bố thì Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số kém văn minh nhất trên môi trường internet, những nội dung xấu, độc, các thông tin giả... được đăng tải tràn lan, chưa kể vấn nạn "giang hồ mạng" trở thành thần tượng của nhiều người trẻ…. Tất cả những điều này đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến “thối não”, tác động tiêu cực lên quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ. Ban đầu những người trẻ có thể cổ vũ tán dương và sau đó sẽ bắt chước, dẫn đến làm theo. Đây là một xu hướng khá nguy hiểm, làm lệch lạc thẩm mỹ của người trẻ, từ đó có thể chuyển hóa thành những hành vi coi thường pháp luật và gây ra lối sống tôn thờ bạo lực trong sinh hoạt. Trước hết nó sẽ tác động vào tâm lý, hình thành nên các quan điểm. Từ quan điểm xã hội, từ tâm lý thông thường sẽ hình thành nên những nhân cách sống.
Hệ lụy của thông tin xấu độc ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội. Nếu đạo đức xã hội bị băng hoại, văn hóa dân tộc bị tầm thường hóa, đánh mất bản sắc, an toàn xã hội bị đổ vỡ, thì sẽ tác động mạnh đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng; có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ là đối tượng thường xuyên tiếp cận với mạng xã hội.
Hiện nay, sáng tạo nội dung trên môi trường mạng được giới trẻ rất quan tâm, không chỉ mang lại cơ hội việc làm mà còn nhiều người trẻ coi đó là cách thể hiện, khẳng định mình. Việc bất cứ ai cũng có thể trở thành facebooker, tiktoker, youtuber….cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng “thối não” bị lây lan.
Không gian mạng, ảo đấy nhưng lại có những tác động thực khôn lường nếu như sử dụng không đúng cách. Và “thối não” – đó không chỉ đơn giản là một từ khóa thông thường, mà chứa đầy ẩn họa. Nếu không được chú ý đánh giá đúng mức để ngăn ngừa nó sẽ làm hỏng không chỉ một thế hệ.
Thực tế cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm để tăng sức đề kháng, tạo hệ miễn dịch, tránh “thối não” cho giới trẻ trước những ảnh hưởng tiêu cực trên không gian mạng, từ những giải pháp công nghệ cho tới những quy định pháp lý. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn là sự hiểu biết, ý thức của người sử dụng./.