Nghe chương trình tại đây:
Sáng nào cũng vậy, cứ 5h15p bà Hoàng Thị Tân ở Đống Đa, Hà Nội lại xỏ giày đi bộ.
Quãng đường hơn 1km, bà Tân đi vài vòng thế là hoàn thành chỉ tiêu cho buổi sáng. "Tôi thực hiện hơn 5 năm nay rồi, kể từ khi mổ tim" - Đó là lúc bà Tân nhận ra sức khỏe quan trọng chừng nào.
Bác sĩ cũng khuyên bà chỉ tập nhẹ nhàng miễn là thường xuyên và khoa học. Bà Tân chọn đi bộ vào buổi sáng, chẳng phải ra công viên mà chỉ cần loanh quanh cung đường gần nhà.
"Buổi sáng đi bộ khoan khoái và không gian thoáng đãng. Bình thường cứ đóng cửa trong nhà bí lắm, ra ngoài thích, khỏe hẳn"- bà Tân tâm sự.
Hơn 6h sáng, khi Hà Nội bước vào vòng quay của cuộc sống mưu sinh, người đi học, người đi làm, cũng là lúc các cụ kết thúc buổi tập. Người thì ngồi ghế đá trong sân tập thể nhiều cây xanh và hóng gió mát, người thì ăn sáng, đi chợ…Tất cả nhịp nhàng.
Không đi từ sáng sớm, bà Hà Thị Anh gần 90 tuổi lựa chọn tập từ 8h sáng. Nơi tập chính là sân tập thể với các dụng cụ có sẵn là xe đạp, dụng cụ tập tay, chân…Sáng nào cũng 30 phút đều đặn.
"Bà cứ ra sân đạp xe đây cho đỡ đau chân. Tập cho người khỏe khoắn chứ ngồi mãi trì trệ, máu huyết khó lưu thông" - bà Anh kết thúc buổi tập thường muộn hơn người khác.
Ở tuổi xưa nay hiếm, bà Hà Thị Anh vẫn giữ được dáng đi thẳng, da dẻ hồng hào, chỉ có đầu gối là bị viêm khớp lâu năm. Thăm khám bác sĩ chuyên khoa, bà được khuyên là tránh ngồi lâu nhưng cũng không được hoạt động mạnh, quá sức, gây áp lực lên khớp gối. Vậy là bà Anh chọn môn đạp xe tại chỗ.
"Bà cứ ăn sáng xong, thong thả, 8-9h xuống tập. Thoải mái thời gian, không phải dậy sớm. Ăn uống đầy đủ, điều độ, sống vui khỏe thoải mái nên vẫn cứ minh mẫn".
Với bà, buổi sáng khởi đầu một ngày mới nên bà luôn chú trọng từng bữa ăn, cốc nước và bài tập cho cơ thể. Bà bật mí bí quyết giúp cơ thể luôn tràn đầy năng lượng chào ngày mới. Đó là luôn đo huyết áp vào sáng sớm, uống cốc nước ấm mật ong và chanh, ăn sáng và đi tập đều đặn.
Tập thể dục giúp máu huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, do đó đề kháng cũng tốt hơn, giúp dễ dàng vượt qua các bệnh nhiễm trùng và virus. Nền tảng sức khỏe tốt sẽ giúp cơ thể nhanh hồi phục nếu không may bị nhiễm bệnh hoặc chấn thương.
Đi bộ nhanh và đạp xe tại chỗ là hai bài tập được các chuyên gia đánh giá phù hợp cho người cao tuổi vào buổi sáng. Đi bộ là bài tập vận động cường độ thấp hơn so với chạy bộ. Đi bộ nhanh giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy hình thành cơ bắp. Hơn nữa, đi bộ nhanh có ưu điểm là ít tác động đến khớp. Do vậy, đây là bài tập phù hợp người cao tuổi. Thiết bị đạp xe tại chỗ phổ biến ở nhiều phòng tập thể dục và các khu công viên, khu dân cư. Đạp xe tại chỗ cũng ít tác động đến khớp. Vì thế mà khả năng chấn thương khi đạp xe là rất nhỏ.
Để tránh các chấn thương không may có thể xảy ra thì người cao tuổi cần cẩn trọng trong quá trình tập thể dục. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người cao tuổi từ 60, 70 tuổi trở lên chỉ nên tập thể dục 150 phút mỗi tuần. Người cao tuổi cũng nên lập thời gian biểu hàng tuần. Mỗi ngày tập từ 10 đến 30 phút. Tùy theo khả năng và nhu cầu của bản thân./.