Nghe chương trình tại đây:

Gần cuối tháng 3, thời tiết miền Bắc thay đổi. Cửa hàng quần áo ở ngõ 120 Trường Chinh, Hà Nội dọn dần quần áo mùa hè ra bán. Bà Lê Thị Tâm đưa cháu đi học về, tần ngần nhìn vào dãy quần áo mặc ở nhà chất vải lanh mát. Rồi bà quyết định lên xe đạp đi về.

"Mỗi năm được con mua vài bộ, khi đi thì mặc vào cho đẹp còn ở nhà thì ai cho đồ mặc vừa là mặc thôi" - Bà nói.

Bà Tâm quê ở Nghệ An. Cách đây 3 năm, bà ra Hà Nội chăm cháu cho vợ chồng con gái đi làm. Ruộng vườn ở quê bỏ dở, bà tiếc từng vụ lúa vụ khoai nhưng thương con cháu nên bà cũng quen dần với cuộc sống đô thị vốn tấp nập mà ít tiếng chào thưa như ở quê. Chỉ có tính bỏ đi cái gì cũng tiếc là bà vẫn giữ.

"Còn khỏe làm được thì chi tiêu thoải mái mà giờ già rồi, không làm được nữa thì mua gì cũng phải tiết kiệm. Ví dụ quần áo giày dép là sắm vừa phải thôi".

Vậy là con cái mua thêm bộ quần áo hay đôi dép mới nào tặng mẹ thì bà Tâm biết vậy. Mỗi lần mua bà thường lẩm bẩm “quần áo đã rách mô mà mua mới”. Có bộ đồ bà mặc 10 năm nay vẫn vừa nên với bà mua nhiều càng chật tủ, bỏ đi thì lãng phí, rác thải ra môi trường.

"Con nó mắng bà tiết kiệm làm gì nữa, giờ già rồi cứ ăn uống vào, không phải tiết kiệm. Tuổi già bệnh tật nên tôi phải tiết kiệm tiền mua thuốc" - bà chia sẻ.

Người già thường tiết kiệm trong các khoản ăn uống, mua sắm nhưng lại tương đối “hào phóng” chi cho các khoản liên quan đến sức khỏe như mua thuốc, thực phẩm chức năng. Bà Nguyễn Thu Hiền ở quận Cầu Giấy, Hà Nội không ngần ngại cho biết, nhóm bạn của bà khi gặp nhau thường trao đổi về các loại thuốc bổ đang dùng.

"Chúng tôi có tuổi nên phải bổ sung, phải mua loại này loại kia rồi chia sẻ cho bạn bè biết".

Nhà bà Hiền, cả ông bà đều là công chức về hưu, có lương. Khoản lương hơn chục triệu được bà Hiền tính toán làm sao để có thể vừa lo cho cuộc sống hai người già, hương khói tổ tiên và vẫn có tiền tiết kiệm.

"Mình tính là khoảng lương của ông 11 triệu là chi tiêu thôi nhưng mà không đủ đâu, như lễ Tết tốn lắm" - việc cân đối chi tiêu phù hợp để con cái không phải chu cấp cho bố mẹ mỗi tháng, bà Hiền nhấn mạnh.

Theo số liệu của Cục Dân số (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập thấp lại bấp bênh.

Hơn nữa, vì không còn sức khỏe để lao động nên đa số phải sống phụ thuộc. Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, chỉ có khoảng 27% là có lương hưu và thu nhập ổn định, còn lại, 73% không có lương hưu, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái.

Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Vì vậy, đời sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.

Người có lương hưu đã đành, người không có lương hưu còn nhiều nỗi lo hơn. Bà Phạm Thị Nhài ở Hưng Yên để lại vườn ổi ở quê cho người hàng xóm làm, còn mình 60 tuổi vẫn lên Hà Nội buôn bán.

"Con thì nó cũng lo cho con cái nó. Mình phải đi kiếm đỡ phiền phức đến con, phải ra Hà Nội làm ăn kiếm được đồng nào tốt đồng ấy".

Nếu người trẻ đang trong giai đoạn tăng tốc đầu tư để gia tăng thu nhập thì người cao tuổi phần nào đã có sự tích lũy ổn định. Họ thường lựa chọn phương án an toàn cho cuộc sống, đó là tiết kiệm.

Tiết kiệm là cắt giảm những khoản không cần thiết để đảm bảo tích lũy nguồn lực cho tương lai. Đây là đức tính tốt, song nếu tiết kiệm quá thì các thành viên trong gia đình sẽ khó thích ứng với nhau.

"Ăn còn dư món gì bà cũng để lại hôm sau ăn tiếp. Ví dụ một quả trứng luộc, bà ăn nửa quả và nửa quả cất đi" - Em Nguyễn Văn Hùng ở Hà Tĩnh chia sẻ.

Dẫu có tài chính ổn định hay không thì tâm lý người già vẫn là “ăn chắc mặc bền”. Họ ít quan tâm đến sự hào nhoáng bên ngoài mà quay về bên trong, lắng nghe nhu cầu cơ thể, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu. Thêm vào đó, càng có tuổi càng sợ phiền con cháu, nên ai cũng muốn tích lũy để tự lo cho mình, ngay cả khi nhắm xuôi tay để đỡ bận lòng người ở lại./.