Bà Nguyễn Thị Điệp (71 tuổi, đang sinh sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) hiện đang sinh hoạt trong một gia đình ba thế hệ, dù rất tự hào và yêu thương gia đình nhưng bà cũng thừa nhận xung đột thế hệ ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi những cuộc cãi vã, bất đồng quan điểm thường xuyên xảy ra. Bà chia sẻ thêm, đôi khi con cháu mải mê học hành cũng gây áp lực cho bà vì không có ai đỡ đần việc nhà cửa. Về vấn đề này, bà Điệp cũng thường xuyên nhắc nhở các con các cháu phải dành thời gian quan tâm đến gia đình.
Với góc nhìn của người trẻ, bạn Đặng Phương Hà (19 tuổi, sinh sống tại Long Biên, Hà Nội) cho rằng, lý do lớn nhất khiến em không thể chia sẻ mọi thứ với gia đình đó là phụ huynh, các bậc cao niên chưa thực sự thấu hiểu và tôn trọng người trẻ, thậm chí đôi khi nguyên nhân của những cuộc cãi vã chỉ từ một việc rất nhỏ như phân công nhau việc nhà. Em thẳng thắn bộc bạch tâm tư: “Tôi mong muốn bố mẹ biết tôn trọng khoảng riêng tư của tôi hơn".
Vừa là người làm con và làm cha, ông Nguyễn Văn Long (47 tuổi, sinh sống tại Đống Đa, Hà Nội) cảm thấy bản thân hiện vẫn đang duy trì được sự hài hòa trong những mối quan hệ gia đình. Quan điểm dạy con của ông là chấp nhận tự do trong khuôn khổ. Đồng thời, ông Long cũng thẳng thắn thừa nhận, ông bà và các cháu thường xảy ra cãi vã. Khi đó ông sẽ ngăn hai bên tiếp tục căng thẳng với nhau, rồi tìm một thời điểm thích hợp để nói chuyện riêng và hòa giải cho hai bên.
Để trả lời cho lý do tại sao con cháu trong nhà và ông bà lại thường xuyên xảy ra xung đột, ông Long cho rằng nguyên nhân là do hai thế hệ quá cách xa tuổi tác, quan điểm sống khác nhau lại không có sự thấu hiểu, nên xung đột giữa ông bà và các cháu rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, ông Long luôn cố gắng bảo ban các con cần phải cảm thông, chia sẻ với thế hệ trước, điều chỉnh bản thân để hòa hợp với gia đình: “Tình cảm con người là quý giá nhất, không thể nào mất đi được, không thể nào tìm lại được”.
Những người làm ông làm bà, làm cha làm mẹ cũng cần bao dung và thấu hiểu con cháu, rằng không phải cứ người lớn là đúng, mà đôi khi cũng phải nhìn nhận lại bản thân. Bà Điệp thừa nhận, đôi khi bà cũng nóng tính và khiến con cháu buồn lòng, nên khi bình tĩnh lại, bà luôn cố gắng tìm thời gian để trò chuyện với con cháu ngay khi có thể để giữ hòa khí trong gia đình. “Lúc bà nóng tính, bà có nói câu gì quá đáng thì các con các cháu bỏ qua”, bà Điệp luôn nói với con cháu như vậy, khi cơn nóng giận qua đi.
Giới trẻ, đặc biệt là thế hệ GenZ là những người có cái tôi và khao khát khẳng định bản thân rất lớn. Tuy nhiên, Phương Hà cho ràng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ai đúng ai sai, người trẻ vẫn cần phải dành sự tôn trọng cho bậc sinh thành, mỗi khi có bất đồng với gia đình, em luôn chọn cách nói chuyện để tìm được tiếng nói chung, giải quyết mâu thuẫn, nhưng tiền đề là hai bên đều phải bình tĩnh để chia sẻ với nhau.
Sự xung đột trong gia đình tưởng chừng là một vấn đề hóc búa, nhưng thực chất cách giải quyết lại vô cùng đơn giản. Khi chúng ta nhận thức được rằng người thân quan trọng với chúng ta thế nào thì chúng ta sẽ thấu hiểu, bao dung và che chở họ vô điều kiện. Hãy để những tranh cãi ấy trở thành gia vị làm đậm đà thêm tình cảm gia đình, bởi vì chỉ khi có gia đình bên cạnh, thì chúng ta mới thấm được hai chữ “hạnh phúc”.