Cựu chiến binh Bùi Gia Tuệ sinh năm 1931. Ông có tuổi thơ gắn chặt với từng con đường, góc phố ở khu phố cổ Hà Nội. Năm 1946 - khi tròn 15 tuổi, nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đến gặp đội trưởng tự vệ khu phố, xin làm nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô. “Lúc 15 tuổi, tôi tham gia chiến đấu với tự vệ ở khu phố hàng Bè. Trước đó, tôi mở Đài nghe và thấy Bác kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác nói các đồng chí chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ thủ đô”, ông Tuệ nhớ lại.

Hai năm sau đó, trong chuyến thăm người anh trai là bác sĩ thuộc sư đoàn 308, ông xin gia nhập quân ngũ. Khi chính thức đứng trong hàng ngũ “bộ đội cụ Hồ”, ông theo đơn âm thầm rút khỏi Hà Nội để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể, cùng với một số đồng đội, khi rời thủ đô thân yêu, ông còn dùng phấn viết lên tường lời hẹn gặp lại. “Sau thời gian chiến đấu ở Hà Nội, đơn vị của chúng tôi được lệnh bí mật rút lui khỏi thủ đô. Trước khi rút lui, tôi và một số anh em lấy phấn viết lên tường với lời hẹn sẽ trở lại Hà Nội”, ông Tuệ kể.

Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Bùi Gia Tuệ giữ chức vụ Trung đội trưởng, trợ lý quân khí sư đoàn 308. Nhiệm vụ là chuyển đạn tiếp tế cho lực lượng pháo binh của chiến dịch.

Trải qua không biết bao nhiêu lần “vào sinh ra tử”, ông Tuệ không nghĩ 9 năm - sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông lại được trở về thủ đô thân yêu như những dòng hẹn ước. Đó là ngày 10/10/1954 - khi sư đoàn 308 được vinh dự là một trong những sư đoàn về tiếp quản thủ đô. Đặc biệt, trên đường tiến về Hà Nội, đơn vị của ông còn được gặp và nghe Bác căn dặn tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. “Trước khi về Hà Nội, chúng tôi được đơn vị thông báo về đền Hùng gặp bác Hồ. Bác đang chờ đón ở đó. Về tới nơi, Bác đón và nói chuyện với anh em trong đơn vị. Tôi nhớ Bác còn dặn "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Bác giao nhiệm vụ cho sư đoàn 308 trở về Hà Nội tiếp quản thủ đô. Khi Bác nói trở về Hà Nội, tôi nghĩ Bác biết chúng tôi từng rút lui khỏi Hà Nội cách đây 9 năm. Sau khi rời đền Hùng, chúng tôi về đóng quân ở Hà Đông, rồi mới hành quân về Cửa Nam, phố Hàng Ngang, Hàng Đào,… Đi đến đâu tôi cũng thấy có hàng vạn người hoan hô chào đón. Quả thật sung sướng, tôi không ngờ sau 9 năm lại có giây phút như thế”, ông Tuệ nhớ lại.

Đã 70 năm trôi qua nhưng chưa khi nào cựu chiến binh Bùi Gia Tuệ quên thời khắc về tiếp quản thủ đô. Bà Bạch Thị Hoàng Oanh - người bạn đời của ông Tuệ chia sẻ, cứ mỗi dịp mùa thu tháng 10, ông Tuệ lại bồi hồi, xúc động. Với ông Tuệ, có lẽ khoảnh khắc về tiếp quản thủ đô là quãng đời đẹp nhất. Bản thân bà cũng vậy, từng đi qua ngày thủ đô được giải phóng và chia ngọt sẻ bùi với người góp phần làm nên thắng lợi ấy, bà cũng dâng trào cảm xúc. “Tôi được tham gia nhiều sự kiện với chồng nên càng hiểu ông ấy hơn, hiểu về người lính cụ Hồ hơn - lúc nào cũng hết mình vì quê hương đất nước”, bà Oanh tự hào khi nói về người bạn đời của mình.

Sau 70 năm, Hà Nội đã thay đổi mạnh mẽ về cảnh quan, kiến trúc với những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xã hội. Những con người đi qua thời khắc Hà Nội ngày giải phóng nay cũng đã khác - già và yếu hơn. Tuy nhiên, hình ảnh về một Hà Nội cờ hoa rực rỡ tron niềm hân hoan của quân và dân thủ đô trong tâm trí của người về tiếp quản vẫn không phai mờ.

Nghe bài viết dưới đây: