Ở nước ta, dù thành thị hay nông thôn, chẳng khó để bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà tuy mái đầu đã bạc nhưng vẫn phải còng lưng buôn bán, làm thuê những mong cóp nhặt chút ít lo cho bữa cơm hàng ngày. Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà Nguyễn Thị Thơm ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn vẫn phải đi cày thuê, cuốc mướn. Hai cô con gái lấy chồng xa, cuộc sống còn nhiều chật vật nên không thể đỡ đần mẹ. Bản thân bà cũng chưa từng nghĩ đến chuyện tích lũy khi về già. Đó cũng là lý do khiến ở độ tuổi này nhưng bà Thơm vẫn vất vả mưu sinh. “Năm nào gia đình tôi cũng thiếu ăn hai tháng. Con gái lấy chồng xa, cuộc sống cũng khổ nên cũng chả giúp gì được cho bố mẹ. Dù tuổi cao nhưng vẫn phải đi làm thuê, làm mướn miễn sao kiến được tiền để trang trải cuộc sống”, bà Thơm chia sẻ.

Chẳng những con cái không thể phụ giúp được cha mẹ khi về già mà thực tế có không ít cụ như bà Nguyễn Thị Mười còn phải hỗ trợ cho các con, các cháu. Nhờ nhanh nhạy và nắm bắt được nhu cầu của người dân ở địa phương về nhà ở, bà mạnh dạn vay ngân hàng để đầu tư phòng ốc cho thuê. Do đó, mỗi tháng bà cũng có được khoản tiền không nhỏ. Thế nhưng bà không dùng số tiền đó để tích lũy cho bản thân mà dành phần lớn để giúp con cháu trong cuộc sống hàng ngày, bà Mười cho biết.

Nguyên nhân chính khiến nhiều người dù tuổi cao nhưng vẫn phải vất vả mưu sinh phần lớn là do hoàn cảnh nghèo khó, bên cạnh đó nhiều cụ có tâm lý không muốn làm phiền tới các con. Chính vì lẽ đó mà dù tuổi cao, sức khỏe không còn dẻo dai nhưng bà Nguyễn Thị Xô ở Đống Đa, Hà Nội vẫn phải làm việc ngày đêm để kiếm thêm thu nhập. Bà có hai người con trai, cả hai đều đã có gia đình riêng. Thời trẻ, bà cố gắng làm lụng chăm chỉ để nuôi các con ăn học nhưng nay vì cuộc sống của các con cũng không mấy khá giả, nên bà muốn tự mình lo cho cuộc sống của hai vợ chồng già. Ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ sáng, bà Xô lại đẩy xe hàng chứa đủ các loại thức uống từ cà phê đến các loại quả ra vỉa hè để bán. Mưa cũng như nắng, bà chẳng dám nghỉ buổi nào vì tiếc một buổi tiền chợ.

Trước đây, ông Trần Cầu là công nhân của một xí nghiệp sản xuất gạch. Sau đó xí nghiệp giải thể do làm ăn thua lỗ nên ông nghỉ việc mà không có lương hưu. Vì cuộc sống, ông phải đi làm thuê, giao hàng cho nhiều cơ sở. Mỗi kiện hàng nặng hàng chục cân đè nặng lên đôi vai gầy guộc của ông khiến ai nhìn cũng có cảm giác xót xa. Với số tiền ít ỏi kiếm được đó, ông chỉ đủ lo tiền rau dưa, rồi cố gắng tằn tiện để trả tiền điện, nước hàng tháng, còn về khoản tích lũy những khi trái gió trở trời với ông là điều không tưởng. “Tôi không có gia đình, anh em đi xa hết, mỗi người mỗi nơi, hiện đang sống cùng một đứa em. Tôi cũng đang giúp những người buôn bán giao hàng, khiêng vác. Mỗi sáng họ cho từ 50 – 70 nghìn. Làm ngày nào ăn ngày đấy. Khi bệnh hoạn là không có tiền. Ốm đau thì phải chịu thôi. Đâu có tích lũy được gì”, ông Cầu tâm sự.

Có thể nói, không có tích lũy khiến cho cuộc sống của nhiều người cao tuổi gặp khó khăn, nhất là đối với những người không sống cùng con cháu và mắc các bệnh mạn tính./.

Mời nghe bài viết tại đây: