Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện đạt 73,6 tuổi, tuy nhiên, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là 63,2 tuổi ở nam và 70,0 tuổi ở nữ. Điều này có nghĩa là nam giới có khoảng 8 năm và nữ giới có khoảng 11 năm phải sống chung với bệnh tật. Bình quân mỗi người cao tuổi có khoảng 3 bệnh mãn tính và đối diện với nguy cơ giảm chức năng sống, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày do quá trình lão hóa. Tạo nền tảng vững chắc chăm sóc sức khỏe và chất lượng cuộc sống người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm Nhà nước, hay một bộ, ngành cụ thể mà là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Thách thức đối với người cao tuổi ở Việt Nam

Theo thống kê, gần 46% người cao tuổi được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp, 34% mắc viêm khớp và nhiều người mắc các bệnh tim mạch, viêm phế quản, bệnh tiết niệu, cơ xương khớp. Hậu quả là thay vì dành thời gian để nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, người cao tuổi phải dành phần lớn thời gian đến bệnh viện mỗi tháng, thậm chí là mỗi tuần. Tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu do cơ chế thoái hóa tự nhiên và nhiều chức năng cơ thể suy giảm, trong đó có chức năng đề kháng. Do đó, người cao tuổi rất dễ mắc bệnh và thường trở thành mạn tính, kéo dài và hay tái phát.

Tiến sỹ Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng, Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện tại chưa bắt kịp với nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Các bệnh viện, chuyên khoa về lão khoa và hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các cấp chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Người cao tuổi ở Việt Nam chủ yếu sống tại gia đình và hầu hết mong muốn được con cháu, người thân chăm sóc tại nhà.

Chính sách cải thiện sức khỏe người cao tuổi

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác dân số và có sự điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đưa ra mục tiêu: "Giải quyết toàn diện đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Chính phủ đã triển khai chương trình bảo hiểm y tế toàn dân, trong đó người cao tuổi được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí hoặc giảm giá, giúp họ tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn. Chính phủ cũng khuyến khích, hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người cao tuổi, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các trạm y tế xã, phường được trang bị tốt hơn, có nhân viên y tế được đào tạo để chăm sóc người cao tuổi.

Theo quy định Luật Người cao tuổi, người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ được hưởng chính sách bảo trợ xã hội và được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Việc Nhà nước đưa ra biện pháp hỗ trợ việc khám, chữa bệnh của người cao tuổi bằng việc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, giúp họ được chăm sóc, bảo vệ về sức khỏe thường xuyên. Thậm chí, trong trường hợp cấp cứu hay phát sinh rủi ro khác về sức khỏe, quyền lợi về sức khỏe của họ cũng được đảm bảo. Có bảo hiểm y tế miễn phí, người cao tuổi an tâm hơn trong việc khám, chữa bệnh. Được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, cùng với việc không lo lắng về những khoản phí khám chữa bệnh, người cao tuổi sẽ vui vẻ, sống thoải mái, an nhiên hơn.

Ngoài ra, người cao tuổi không có lương hưu hoặc thu nhập thấp được hưởng trợ cấp xã hội để đảm bảo cuộc sống cơ bản. Các nhà dưỡng lão công và tư nhân cũng đang được xây dựng, phát triển để cung cấp chỗ ở và chăm sóc cho người cao tuổi không có gia đình.

Tại Nghị quyết 137/NQ-CP, Chính phủ đã giao cho 11 bộ, ngành thực hiện 39 nhiệm vụ và đề án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng. Trong số này, có nhiều chương trình và đề án liên quan trực tiếp đến việc thích ứng với tình trạng dân số già, như Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 (do Bộ Y tế thực hiện), Đề án phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số, và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện).

Thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, được ban hành theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 10/3/2020, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động. UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành đề án kế hoạch thực hiện Chương trình phù hợp với bối cảnh và các vấn đề dân số tại địa phương, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm và phân định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, tạo nền tảng vững chắc cho một xã hội già hóa nhưng vẫn khỏe mạnh, hạnh phúc. Chăm sóc người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, còn là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Nguồn: Báo Tin tức online