Nỗi lo kép: tài chính và bệnh tật
Đi làm thì lo ổn định, thăng tiến sự nghiệp, về hưu thì lại là nỗi lo bệnh tật. Vòng xoay cuộc sống của người trưởng thành đến khi già đi quanh quẩn với hai mục đích: kinh tế và sức khỏe.
"Chỉ cần có bệnh thì bao nhiêu tiền cũng đi theo thuốc" - bà Nguyễn Thị Cấp (Hà Nội) kể về nỗi sợ của mình. "Khi có tuổi chắc chắn phải sợ bệnh tật rồi. Có kinh tế vững thì đỡ chứ không thì khó khăn lắm. Tôi năm nào cũng phải đi khám tổng quát. Đủ thứ bệnh: bệnh tim, mỡ máu, huyết áp, tiểu đường…".
Bà Cấp là giáo viên đã nghỉ chế độ, có nhà riêng ở Hà Nội, có sổ tiết kiệm và có tiền lương hưu. Đó là điểm tựa quan trọng để một người khi về già, sống một mình có thể quan tâm đến sức khỏe.
"Tôi nói thật, càng già càng sợ chết. Một người đủ đầy tình cảm, kinh tế lại càng ham sống, thêm được ngày nào với con cháu thì càng quý".
Với những chứng bệnh sẵn có, bà điều trị tại nhà bằng thuốc và các loại thực phẩm chức năng con cháu gửi từ nước ngoài về. Trong suy nghĩ của bà, nếu không có các loại thuốc này bà sẽ không có ngày hôm nay.
Người cao tuổi thường đối diện với “bệnh tật kép”. Họ thường mắc những căn bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư…Ngoài ra, sự lão hóa khiến họ mắc những chứng bệnh đặc trưng như suy giảm nhận thức, trí nhớ giảm và trầm cảm… Những người không có sự tích lũy kinh tế thì họ chỉ biết trông chờ vào con cái và tấm thẻ bảo hiểm y tế.
"Tôi làm bảo vệ, vợ thì ở nhà, cả hai không có lương hưu. Sức khỏe bây giờ thì ổn. Có tấm thẻ BHYT vào bệnh viện cũng đỡ lo" - Ông Lê Văn Hòa (Hà Nội) cho biết nếu bệnh nặng phải mua thêm thuốc bên ngoài hoặc không trong danh mục chi trả của BHYT, ông bà chỉ biết trông cậy vào các con.
Do thiếu khoản dự phòng về già, nhiều người cao tuổi ở Việt Nam cảm thấy áp lực và tự ti khi mắc bệnh tật. Họ có thể lo lắng dẫn đến tâm lý chán nản, nặng nề và cũng có không ít người đã buông xuôi, không quan tâm sức khỏe. Vậy nên dù ở tuổi 70 ông Hòa vẫn nhất quyết đi làm bảo vệ để đảm bảo mình vẫn làm ra tiền, vẫn chưa phụ thuộc hoàn toàn vào con.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh, hiện là 74,5 tuổi tuy nhiên số năm sống trong bệnh tật cũng chiếm 10 - 14 năm. Điều này tạo áp lực đối với hệ thống y tế và chính những người cao tuổi.
Dễ tin "bác sĩ" online
Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Hiền - giảng viên trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, người cao tuổi thường dễ bị ám thị bởi nỗi lo về bệnh tật hơn các nhóm tuổi khác.
Bởi lẽ khi có tuổi, những thay đổi sinh lý khiến họ phải đối mặt với sự suy giảm sức khỏe, mắc các bệnh mãn tính hoặc những triệu chứng liên quan đến lão hóa. "Những trải nghiệm thực tế này có thể làm tăng nhận thức và lo lắng về bệnh tật. Họ cũng nhạy cảm hơn với tín hiệu cơ thể, chú ý nhiều hơn đến các dấu hiệu bất thường của cơ thể, thậm chí có thể nhầm lẫn giữa các triệu chứng bình thường và các dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng" - Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền phân tích.
Theo chuyên gia tâm lý, người cao tuổi có thể trở nên nhạy cảm hơn với những thông tin tiêu cực, đặc biệt là về sức khỏe. Các câu chuyện từ bạn bè, gia đình hoặc truyền thông về bệnh tật có thể tạo ra tâm lý lo lắng hoặc ám thị.
"Một trong những nỗi sợ lớn của người cao tuổi là mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Điều này khiến họ dễ lo âu hơn khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường dù nhỏ. Họ cũng có các biểu hiện về sự suy giảm trí nhớ và suy luận: Một số người cao tuổi có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt thông tin chính xác với thông tin sai lệch, khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực" - chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Hiền nói.
Ở các nền văn hóa coi trọng sức khỏe và sự sống dài lâu, người cao tuổi có xu hướng lo lắng hơn về bệnh tật so với những nền văn hóa chấp nhận lão hóa như một phần tự nhiên của cuộc sống.
Trong khi các cuộc trò chuyện xã hội trong nhóm người cao tuổi thường xoay quanh sức khỏe, bệnh tật, tạo nên môi trường dễ kích thích tâm lý lo lắng. Mỗi ngày trôi đi họ đối mặt với cô đơn hoặc mất người thân, điều này có thể làm tăng nỗi lo về bệnh tật như một cách phản ánh nỗi sợ hãi về cái chết.
Trong xã hội thông tin số, người cao tuổi là một trong những nhóm người sử dụng Internet tích cực tại Việt Nam với dân số từ 55 tuổi trở lên, chiếm gần 20% tổng dân số sử dụng Internet.
Mạng xã hội trở thành không gian mới của những người cao tuổi và cũng đặt ra nhiều cảnh báo. Nhiều thông tin trên mạng được viết mà không dựa trên cơ sở khoa học, thậm chí chứa các tuyên bố giật gân nhằm thu hút người đọc. Điều này dễ khiến người cao tuổi hiểu lầm và lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền nhận định, khi đọc các thông tin trên mạng, người cao tuổi có thể tự đối chiếu triệu chứng của mình với các bệnh nghiêm trọng được miêu tả trên mạng, dẫn đến hiện tượng lo lắng thái quá. Nội dung quảng cáo hoặc các bài viết thường xoáy sâu vào các bệnh lý phổ biến hoặc nguy hiểm, dễ khiến người cao tuổi bị ám thị.
"Không phải tất cả người cao tuổi đều có khả năng phân biệt thông tin đáng tin cậy và thông tin không đáng tin. Điều này khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung không chính xác".
Về giải pháp, chuyên gia này cho rằng cần cung cấp thông tin khoa học về sức khỏe và lão hóa để giúp họ hiểu rõ các dấu hiệu tự nhiên của cơ thể và hướng dẫn họ sử dụng dịch vụ y tế. Cần xây dựng lối sống lành mạnh như thể dục thường xuyên, tham gia các hoạt động xã hội, hướng dẫn họ chế độ dinh dưỡng cân đối
Đối với gia đình, cần tránh phán xét, thay vào đó nên lắng nghe và động viên người cao tuổi chia sẻ cảm xúc; phân chia trách nhiệm chăm sóc để tránh một người bị quá tải.
Nghe chương trình tại đây: