Sinh ra và lớn lên tại làng Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, hàng chục năm nay, từ “tờ mờ” sáng, bà Nguyễn Thị Loan đã tỉnh giấc, tất bật với công việc bếp núc để cho ra những chõ xôi dẻo, thơm và cùng bà con trong làng tạo nên thương hiệu Xôi Phú Thượng nức tiếng.
Tự hào về thương hiệu và nghề truyền thống của địa phương, bà Loan thổ lộ nghề làm xôi không chỉ là công việc đem lại thu nhập cho gia đình mà còn là một phần ký ức trong đời sống tinh thần của bà. “Các cụ trong làng thường nói ‘làng Gạ có gốc cây đề, có sông tắm mát, có nghề nấu xôi’. Tôi không biết phường Phú Thượng có nghề nấu xôi từ bao giờ. Riêng gia đình tôi, đến đời tôi là đời thứ ba làm nghề. Được bố mẹ dìu dắt, hướng dẫn từ nho nên tôi yêu thích và tâm huyết với nghề”, bà Loan thổ lộ.

Công việc nấu xôi không khó nhưng để “có tiếng”, “có thương hiệu” và duy trì được nghề trong thời gian dài, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển, thì không dễ.
Bà Loan chia sẻ để có nồi xôi ngon, người nấu phải lựa chọn kĩ nguyên liệu như gạo nếp, lạc, đỗ xanh, gấc... Tùy theo loại xôi mà kỹ thuật nấu, phối trộn nguyên liệu, điều chỉnh lửa, thậm chí cả thời gian ngâm gạo cũng khác nhau. Theo bà, về cơ bản, xôi ở Phú Thượng thường được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy, đều; gấc được lấy từ những quả có màu đỏ tươi, vỏ mỏng, gai nhỏ, đều và thưa; lạc được chọn từ những hạt có lớp vỏ ngoài sáng, không bị mối mọt,… Ngoài ra, để cho ra những chõ xôi theo ý muốn, người nấu còn phải thực hiện kỹ thuật theo từng loại…
Không chỉ giữ nghề bằng việc cho ra những mẻ xôi thơm dẻo mỗi ngày, từ khi được người dân trong làng tín nhiệm, bầu làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Làng nghề Phú Thượng, bà Loan còn tích cực quảng bá thương hiệu xôi Phú Thượng với niềm tự hào. “Từ khi thành lập hội Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, chúng tôi đã được đi phục vụ các sự kiện lớn của quốc gia và thành phố Hà Nội. Chúng tôi vinh dự đã được đi phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều. Năm 2024, Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng là di sản phi vật thể quốc gia. Chúng tôi rất là tự hào, sẽ cố gắng gìn giữ và phát triển nghề”, bà Loan chia sẻ.
Để giữ nghề, bảo vệ di sản, bên cạnh việc truyền nghề cho các con trong gia đình, bà Loan còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong làng. Những khi rảnh, bà lại đến các gia đình hội viên trao đổi, thảo luận để cùng nhau bảo tồn, phát triển làng nghề. “Bác Loan rất nhiệt tình với công việc của Hội làng nghề, thường xuyên đến nhà hội viên, góp ý, động viên, để làm sao các gia đình làm xôi đảm bảo chất lượng, uy tín”, chị Nguyễn Thị Minh Yến - Chủ một cơ sở sản xuất xôi tại Phú Thượng, chia sẻ.
Cứ như vậy, hàng chục năm nay, bà Nguyễn Thị Loan giống như con ong chăm chỉ, thức khuya dậy sớm để cho “ra lò” những mẻ xôi dẻo thơm, tạo thêm nguồn thu cho gia đình, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, đồng thời góp phần làm phong phú văn hóa ẩm thực của Hà Nội.