Là thương binh, tuổi cao nhưng bác sỹ Lê Thành Đô, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn chưa ngơi nghỉ. Không chỉ dồn hết tâm sức vào công việc, ông còn dành hẳn một căn nhà nhỏ sát nơi ở để làm xưởng sản xất và phòng khách của nhà mình để tiếp đón, tư vấn cho người khuyết tật có nhu cầu lắp chân, tay giả. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Mơ về một cuộc sống mới

Anh Trịnh Công Thập, ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang từng là trụ cột của gia đình. Anh từng mơ về một cuộc sống sung túc khi sở hữu những thửa ruộng màu mỡ. Tuy nhiên, giấc mơ ấy đã lụi tàn bởi một tai nạn trong quá trình lao động. “Tôi từng phục vụ trong quân đội, trở về lành lặn, nhưng khi làm kinh tế thì bị tai nạn. phải cắt bỏ một chân. Từ khi bị tai nạn đến nay đã 9 năm”, anh Thập kể.

Mất đi một bên chân, anh Thập gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống. Đã thế, hàng ngày, nhìn những thửa ruộng màu mỡ bị bỏ hoang, anh còn bị tâm lý “bất lực” đè nặng.

Đã nhiều lần anh tìm hiểu và muốn lắp chân giả. Tuy nhiên, khi biết giá của một bên chân giả lên tới hàng chục triệu đồng, anh lại đành ngậm ngùi hoãn lại. Bởi hiện tại, sức khỏe của vợ anh không tốt; các con đang tuổi ăn học, mọi chi phí của gia đình đều trông chờ vào anh.

Cứ như vậy, suốt 9 năm qua, mơ ước về việc lắp chân giả sẽ mãi chỉ là ước mơ nếu anh không được giới thiệu và kết nối với bác sỹ Lê Thành Đô và được lắp chân giả miễn phí. “Khi lành lặn, tôi là trụ cột gia đình. Khi bị cụt chân, tôi chỉ làm việc lặt vặt. Tôi ao ước được lắp chân giả nhưng không có tiền nên đành chịu. Giờ được hỗ trợ lắp chân giả, tôi mừng lắm. Bỏ cái nạng đi, tôi đi lại thuận tiện hơn, làm được nhiều việc hơn để lo cho vợ con”, anh Thập thổ lộ.

Có chân giả, đi lại linh hoạt, thuận tiện hơn, anh không chỉ rũ bỏ được tâm lý bất lực, mà còn mơ lại giấc mơ về một cuộc sống sung túc khi nhìn ra những thửa ruộng màu mỡ bị bỏ hoang bấy lâu.

Tương tự, nếu không được hỗ trợ toàn bộ chi phí, có lẽ ông Đặng Tiến Quang, ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cũng chưa thể lắp tay giả. “Tôi bị tai nạn giao thông, vỡ khớp xương cổ tay, phải cắt đi. Tai nạn xảy ra từ năm 1983, đến giờ đã hơn 40 năm. Cũng nhiều lần muốn lắp tay gả nhưng tôi sống ở vùng sâu vùng xa, rất nghèo nên đành cam chịu”, ông Quang cho biết.

Không thể gánh vác kinh tế và đảm nhiệm những việc nặng trong gia đình, ông Quang không tránh khỏi đôi lúc mặc cảm, tự ti. Tuy nhiên, giờ đây cuộc sống của ông như sang một trang mới, bởi đôi tay, dù không thể nhanh nhẹn như người bình thường nhưng đã linh hoạt hơn. “Có tay giả, giờ tôi có thể làm việc bằng hai tay, thuận tiện hơn nhiều. Cuộc sống sẽ đỡ vất vả”, ông Quang chia sẻ.

Ông Quang cho biết, gia đình làm nghề nông. Khi việc cầm nắm, bê vác và cày cuốc không còn là trở ngại, ông sẽ lên kế hoạch “thâm canh, tăng vụ”, thúc đẩy sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Đó là ước mơ bấy lâu mà nay mới được triển khai để từng bước hiện thực hóa.

Hạnh phúc là cho đi

Mỗi bàn tay, cánh tay hay một chiếc chân giả có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Kinh tế gia đình của bác sỹ Lê Thành Đô chưa hẳn khá giả. Vậy nhưng, 20 năm nay, ông đã tặng hàng nghìn sản phẩm như thế cho người khuyết tật nghèo. Đề cập nghĩa cử này, ông Đô chia sẻ bản thân là thương binh nên thấu hiểu và đồng cảm với người khuyết tật. “Tôi bị mất một phần cơ thể nên biết rõ những khó khăn mà người khuyết tật phải đối mặt. Trong số này, có nhiều người còn bị mặc cảm, tự ti. Bản thân thấy mình may mắn hơn đồng đội, được trở về, an hưởng hòa bình nên luôn nghĩ cần làm gì đó để giúp đồng đội, nạn nhân da cam như một cách để bù đắp cho đồng đội và những người kém may mắn trong xã hội”, ông Đô chia sẻ.

Từng công tác trong lĩnh vực chỉnh hình với thâm niên hàng chục năm kinh nghiệm, khi về hưu, ông Đô quyết định dành hẳn một căn nhà nhỏ gần nơi ở để làm xưởng sản xuất chân, tay giả.

“Ngoài cái khó về nhà xưởng, tôi còn thiếu kinh phí mua sắm thiết bị, máy móc sản xuất. Cả hai cái này, mình từng bước khắc phục bằng cách tận dụng nhà mình và tiền trợ cấp thương tật, lương hưu. Còn một thách thức nữa là chi phí mua nguyên, vật liệu. Ban đầu, tôi phải vận động đồng đội hỗ trợ. Sau đó, có các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện,…thấy mình làm việc thiện, hiệu quả nên giúp mình kinh phí mua nguyên, vật liệu”, ông Đô thổ lộ.

Ông Đô cho biết trong số các nhà hảo tâm hỗ trợ ông thực hiện nghĩa cử này phải kể đế Quỹ Thiện Tâm - tổ chức phi lợi nhuận thuộc Tập đoàn Vingroup.

“Lúc đầu làm, tôi không nghĩ sẽ làm được số lượng nhiều như thế đâu. Nhưng được các nhà tài trợ khích lệ, như Quỹ Thiện tâm, luôn sẵn sàng đồng hành với mình, họ hết lòng vì người khuyết tật nên tôi cố gắng làm”, ông Đô chia sẻ.

“Quan hơn trọng nữa, tôi thấy phấn khởi mỗi khi hỗ trợ được ai đó. Vì phần lớn những người được lắp chân tay giả, khi trở về đều kiếm được việc làm, tự nuôi sống bản thân, giảm bớt khó khăn cho gia đình”, ông Đô nhấn mạnh.

Ông Lý Minh Tuấn, Giám đốc Quỹ Thiện Tâm cho biết nghĩa cử của bác sỹ Đô đã chạm đến trái tim của cộng đồng, trong đó có bản thân ông. Chính vì thế, đại diện cho Quỹ Thiện Tâm, ông còn muốn bác sỹ Đô mở rộng xưởng để hỗ trợ cho ngày càng nhiều người khuyết tật. “Quỹ đã đồng hành với bác Đô đến nay được gần 5 năm, hỗ trợ chân tay giả cho khoảng 500 người với kinh phí hơn 13 tỷ. Bác Đô phải uy tín và chúng tôi có niềm tin rất lớn thì mới hỗ trợ nhiều, thường xuyên và lâu dài như thế cho một cá nhân. Chúng tôi vẫn động viên bác Đô mở rộng sản xuất và nếu bác đồng ý thì Quỹ Thiện Tâm sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ kinh phí”, ông Tuấn cho biết.

Những việc làm từ tâm nên cũng nhận được sự sẻ chia, đồng hành từ các kỹ thuật viên - những cộng sự của bác sỹ Đô tại xưởng sản xuất chân, tay giả. Bởi lẽ, thay vì tìm nơi có mức lương cao để làm việc, những kỹ thuật viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm vẫn nguyện ngắn bó với xưởng sản xuất của bác sỹ Đô với mức thu nhập khiêm tốn.

“Chú Đô là người tâm huyết với nghề nên mình muốn đồng hành với chú. Mình cũng thấy vui khi hỗ trợ được ai đó bớt khó khăn. Vì có những trường hợp cụt cả 2 tay 2 chân, không đi lại được, sau khi đến đây, họ đi lại được và cầm, nắm được”, kỹ thuật viên Trần Thu Nguyệt thổ lộ.

Cứ như vậy, 20 năm nay, dù tuổi cao và thương tật nhưng thay vì nghỉ ngơi, bác sỹ Lê Thành Đô vẫn miệt mài với công việc sản xuất chân tay giả để tặng cho những người không may mất đi một phần cơ thể.

Với những đóng góp ấy, ông đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen và danh hiệu, nhưng phần thưởng lớn nhất với ông là đổi thay trong cuộc sống, là niềm vui của những người được lắp chân tay giả. Đó cũng là điều thôi thúc ông không ngừng mở rộng xưởng, sản xuất nhiều hơn và hoàn thiện hơn nữa sản phẩm trước khi trao tặng.