Cú lừa mang tên “16.000 phí ship”

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, một phụ nữ ở huyện Thạch Hà đã bị lừa mất hơn 400 triệu đồng. Theo đó, chị nhận được cuộc gọi từ kẻ giả danh shipper yêu cầu thanh toán 16.000 đồng cho một đơn hàng không rõ. Sau khi chuyển tiền, kẻ giả mạo tiếp tục gọi lại, thông báo chị đã chuyển nhầm vào “tài khoản thành viên” của công ty giao hàng và sẽ bị trừ tự động 4,5 triệu đồng mỗi tháng nếu không hủy đăng ký.

“Shipper” hướng dẫn chị kết bạn với “nhân viên hỗ trợ” qua Zalo để hủy đăng ký. Người này gửi đường link giả mạo, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản và mã OTP. Sau khi làm theo, chị phát hiện tài khoản bị trừ 49 triệu đồng.

Trong lúc hoảng loạn, chị tiếp tục liên hệ với nhóm chat “thu hồi tiền giao hàng tiết kiệm”, nơi các thành viên chia sẻ “rất thật” về việc chuyển khoản nhầm và được hỗ trợ lấy lại tiền. Tin tưởng, chị tiếp tục chuyển thêm hơn 200 triệu đồng cho các khoản “phí xác minh” theo chỉ dẫn và vẫn không thu hồi được tiền về.

Cuối cùng, một kẻ giả danh cán bộ công an gọi điện đến, yêu cầu chị cung cấp thông tin cá nhân và mã OTP để “hợp tác điều tra”. Tin tưởng vào cơ quan chức năng, chị làm theo và mất thêm hơn 200 triệu đồng nữa. Tổng cộng, chị bị mất hơn 400 triệu đồng.

Cảnh báo từ chuyên gia

Vụ việc trên là một ví dụ điển hình của thủ đoạn lừa đảo tinh vi, khi các đối tượng lợi dụng thói quen mua sắm online của người dân. Nạn nhân thường chủ quan khi phải thanh toán số tiền nhỏ và không nghĩ rằng mình sẽ bị lừa. Tuy nhiên, việc chuyển tiền chỉ là khởi đầu của một chuỗi các thủ đoạn lừa đảo tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Văn Chung, chuyên gia an toàn thông tin, nạn nhân dễ bị hoang mang và mất phương hướng sau khi phát hiện mình bị lừa, dẫn đến việc tiếp tục bị dụ dỗ cung cấp thêm thông tin hoặc chuyển thêm tiền để “khắc phục” tình huống. Vòng xoáy lừa đảo này ngày càng trở nên tinh vi hơn và khó nhận diện.

“Trong trường hợp chẳng may bị lừa đảo trực tuyến, việc đầu tiên cần làm là phải báo cáo các cơ quan chức năng để được hỗ trợ chứ không tự mình đi tìm các phương án xử lý, đặc biệt qua mạng xã hội. Khi chuyển khoản cần phải xác minh thông tin rõ ràng và đúng đối tượng mình cần chuyển”, ông Chung khuyến cáo.

Theo Thượng tá, Tiến sĩ Tội phạm học Đào Trung Hiếu, để không trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo như vậy, điều quan trọng là luôn cập nhật thông tin và thay đổi tư duy “bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân”.

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh rằng không có cơ quan bảo vệ pháp luật nào yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc cung cấp thông tin qua điện thoại. Do đó, nếu có nghi ngờ, hãy liên hệ ngay với cơ quan công an gần nhất để kiểm tra thông tin.

Trong kỷ nguyên số, chỉ một cú click sai có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về tài chính. Những chiêu trò lừa đảo tưởng như “xưa như trái đất” vẫn tiếp tục diễn ra vì sự thiếu cảnh giác và tâm lý chủ quan của người dân. Chính vì vậy, mọi người không nên nghĩ rằng “mình sẽ không bị lừa”. Phòng ngừa - bằng kiến thức và tỉnh táo - là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản của bản thân.