Hơn 20 năm trong lực lượng Bộ đội biên phòng, ông Vàng Văn Ính ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên luôn thấu hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Khi về địa phương, ông được bầu là người có uy tín trong cộng đồng. Dù là đêm khuya, mưa rét hay nắng gắt mỗi khi thôn bản có chuyện xảy ra là ông lại tức tốc xuống ngay cơ sở giải quyết, đến từng nhà đối tượng để khuyên giải bảo ban. “Tôi kết hợp với các ban ngành của bản tuyên truyền bà con nhân dân chấp hành chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước hương ước của bản, của xã. Ở bản chúng tôi hiện nay không có người nào mắc các tệ nạn xã hội như: nghiện, vi phạm pháp luật, làm tốt công tác an ninh trật tự tại địa phương, không có các vụ việc xích mích xảy ra, phối kết hợp với Đảng chính quyền địa phương và chỉ đạo dân quân tuần tra canh gác bảo vệ vững chắc biên cương Tổ Quốc”, ông Ính cho biết.

Chiềng Khương là xã biên giới của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La nên ngay từ khi được bầu là Chủ tịch hội Người cao tuổi xã, ông Phạm Xuân Nghinh đã tích cực vận động, tuyên truyền bà con thực hiện Chương trình “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới”. Ngoài ra, ông còn quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ về chủ quyền an ninh biên giới lãnh thổ, vận động con cháu giữ gìn bảo vệ cột mốc biên giới, không vượt biên trái phép; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển các chất ma túy; chấp hành quy chế biên giới Quốc gia.

Người dân xã Hoàng Văn Thụ, huyện Gia Bình, tỉnh Lạng Sơn luôn dành cho ông Hoàng Duy Trọng những tình cảm tốt đẹp. Hơn 2 năm kể từ khi được bầu là người có uy tín trong cộng đồng, ông luôn cố gắng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con bằng cách thường xuyên đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động người dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, không nghe lời kẻ xấu, chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Ông cho rằng, mình là người có uy tín nên phải gương mẫu, giữ vai trò đầu tàu, tiếng nói của mình phải giá trị. Khi mình gương mẫu thì đồng bào, con cháu sẽ làm theo, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông và công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

Với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, suốt hơn 10 năm qua, ông Lò Văn Đính ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên luôn vận động con cháu, bà con phát triển kinh tế gia đình, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Theo ông Đính, để người dân tin và làm theo bản thân mình phải gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Vì vậy, cho dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn là điển hình nông dân sản xuất giỏi của địa phương. “Trước hết người uy tín phải gương mẫu trong gia đình với con cháu, sau đó là với làng bản; gia đình phải chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy ước của thôn bản. Trong các cuộc họp bản phải tích cực tuyên truyền về các chủ trương để người dân chấp hành, tham gia cùng tổ hòa giải để giải quyết các tranh chấp, thường xuyên tuyên truyền đến các hộ gia đình trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng”, ông Đính chia sẻ.

Người có uy tín trong cộng đồng là lớp người am hiểu truyền thống văn hóa dân tộc mình, luôn trăn trở, tìm cách gìn giữ bản sắc văn hóa cho thế hệ sau, tích cực tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Ông Lò Văn Xiêng chia sẻ, bản thân là người uy tín trong bản, ông luôn bảo ban con cháu đừng để mai một bản sắc của dân tộc mình, luôn vận động bà con và các cháu phải giữ gìn phong tục của dân tộc mình, vận động con cháu chấp hành các quy định của Đảng và nhà nước để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Trong mỗi thôn bản đều có những người có uy tín, đa số là người cao tuổi được bà con, chính quyền tin tưởng. Không chỉ là tấm gương tiêu biểu về đạo đức lối sống, đi đầu trong các phong trào của địa phương mà họ còn luôn phát huy tốt vai trò của những cây đại thụ, là nhịp cầu nối giữa Đảng, chính quyền với bà con các dân tộc./.

Mời nghe bài viết tại đây: