Nỗi cô đơn gọi tên người già

Gần đây, các chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cha mẹ luôn hết lòng vì con cái, nhưng khi họ đến tuổi xế chiều lại rất khó nhận được sự bầu bạn từ các con. Do vậy những người già thường nảy sinh cảm giác bị vứt bỏ, lãng quên, ghẻ lạnh khi ở xa con cái.

Trong một viện dưỡng lão ở Changsha, ông Wang Aiyun 69 tuổi vẫn luôn im lặng ngồi một chỗ. Người ngoài nhìn vào thì thấy Wang Aiyun có một khoản tiền lương hưu hậu hĩnh, lại có con trai hiếu thảo, cũng được coi là được an hưởng tuổi già, thế nhưng đối với những thứ này, ông lại không thật sự vui vẻ.

"Mỗi tối con trai đều tới ngủ với tôi, nhưng từ trước tới giờ nó chưa từng kể chuyện gì với tôi, gần như là không nói chuyện với tôi bao giờ. Có lần tôi chủ động bảo con nói chuyện với bố đi, mặt nó đầy vẻ kinh ngạc hỏi lại, nói gì bây giờ?"

Wang Aiyun nói: "Lần nào tới đây, nó cũng ngồi nghịch điện thoại hết. Tôi chỉ cảm thấy trong nhà có thêm một người nữa, chứ không cảm thấy con trai đang ở bên cạnh mình."

Cùng cảnh ngộ đó, ông Wang Suzhen năm nay 71 tuổi, vì không muốn trở thành gánh nặng cho con cái nên ông đã bảo với các con: "Các con bận thì đừng tới thăm bố nữa, không cần cứ phải ở đây mãi đâu, mau đi làm đi, bố vẫn khỏe lắm..."

Trước mặt con cái mạnh mẽ, kiên cường là vậy, nhưng các con đi rồi, ông lại quay về vẻ yếu ớt ban đầu: "Thật ra tôi rất muốn con cái ở bên cạnh mình, nhưng tôi không dám nói. Chúng vừa đi là tôi liền muốn khóc."

Thật ra họ rất muốn nói với con cái, mong con có thể ở bên mình nhiều hơn, nhưng cuối cùng lại không nói ra. Vì họ thấy cho dù nói ra rồi, nhiều khi cũng không có được sự tôn trọng, vậy nên chỉ có thể cất giấu điều này ở trong lòng.

Người già sợ cô đơn lắm

Ông Liu Xiaoyun, ông cụ 77 tuổi sống một mình trong viện dưỡng lão đã giãi bày: "Con cái làm giáo viên ở Ma Cao, có hai căn nhà ở thành phố lớn, mỗi căn tôi đều có chìa khóa và có phòng ngủ của riêng mình, có thể tới bất cứ lúc nào. Con cái lớn tuần nào cũng tới đây, còn thuê người dọn dẹp vệ sinh cho tôi nữa." Khuôn mặt ông lão đầy vẻ tự hào.

Phóng viên liên tục khen con cái ông hiếu thuận, nhưng anh nhận ra rằng, mỗi lần nhắc tới con cái, ông lão bà lão nào cũng khen các con, dẫu vậy vừa nói tới hai chữ "cô đơn" là họ chỉ biết thở dài chấp nhận.

Liu Xiaoyun chia sẻ: "Khi tắt điện đi ngủ, trong phòng rất yên tĩnh, đầu tôi lúc nào cũng nghĩ về đứa này, nhớ đứa kia, luôn hoài niệm chuyện đã qua. Người già như tôi sợ cô đơn lắm, muốn gần các con, nhưng đứa nào cũng có gia đình của riêng mình, tôi đâu dám làm phiền."

Lí giải cho những cảm xúc, tâm trạng của những nhân vật trên, chuyên gia chỉ ra rằng, khi tiến vào giai đoạn tuổi già, con người thường có 3 vấn đề tâm lý sau: trí tuệ và khả năng ghi nhớ giảm sút, cô đơn, lo lắng và có cảm giác bất an, cuối cùng là thường hay xuất hiện ảo giác, hoang tưởng.

Sau khi về hưu, các mối quan hệ, đối tượng giao lưu sẽ ít dần, cộng thêm việc xương cốt và các cơ quan trên người bị lão hóa, do vậy người cao tuổi rất dễ xuất hiện cảm giác lo âu, cô đơn, trầm cảm. Vì thế nên người già rất cần sự quan tâm, yêu thương. Nếu như người già liên tục bị bỏ rơi trong thời gian dài, cộng thêm các vấn đề về tâm lí khác, rất có thể sẽ dẫn đến tự sát.

Giúp người già bước qua được cánh cửa cô đơn

Hiện này rất nhiều người già mắc bệnh nặng đều cảm thấy không có sức lực, không có hy vọng, không còn nhiệt huyết, cũng chẳng có người bạn nào ở bên bầu bạn, sống thui thủi. Càng gần với tuổi già thì con người ta càng yếu đuối, yếu đuối cả về thể xác lẫn tinh thần. Sự muộn phiền do cô đơn mang tới, những đe dọa của bệnh tật, nỗi sợ về cái chết là ba điều lớn mà người già phải đối mặt. Đối với họ, sự quan tâm, chăm sóc trở thành thứ cứu cánh, an ủi họ vào những năm tháng cuối đời.

Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng cô đơn, một số người già đã tìm cho mình một người bạn đời khác, cùng san sẻ niềm vui, hoặc họ sẽ ở cùng với vài người bạn tâm đầu ý hợp. Như vậy họ sẽ không còn cảm thấy cô độc nữa, mà lại có thể giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Để giúp người già thoát khỏi cảm giác cô độc, bị bỏ rơi, hay trở thành gánh nặng cho con cái, việc phát triển những dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, tâm sự, xoa dịu tâm hồn cho người già là thật sự cần thiết. Hơn hết, con cái có thể dành nhiều thời gian ở bên chia sẻ, trò chuyện, quan tâm bố mẹ sẽ giúp họ lạc quan, vui vẻ hơn rất nhiều trong những năm xế chiều.

Nguồn: Theo Xinhuanet