Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Quang, ở phường Trung Thành, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, từng có hơn 23 năm cống hiến cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chứng kiến sự hy sinh, mất mát của những người đồng chí, đồng đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ khi trở về đời thường ông luôn trăn trở với công tác giáo dục truyền thống cách mạng. Cứ mỗi khi rảnh, ông lại viết văn, làm thơ. Tất cả đều với mong muốn là làm cho thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị của nền hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay. Tập thơ “Đi qua chiến tranh đã ra đời” từ trăn trở ấy. “Tôi muốn lưu giữ lại hình ảnh những người chiến sỹ chiến đấu gian khổ, hy sinh ở chiến trường, muốn cho con cháu mình thấy để có được nền hòa bình, độc lập của dân tộc hôm nay, cha ông mình đã phải đánh đổi bằng xương máu”, ông Quang chia sẻ.
Tập thơ “Đi qua chiến tranh” có 74 bài thơ với 5 chủ đề, gồm: Chiến đấu, Những nẻo đường đi qua, Tình đồng đội, Tình yêu và gia đình, Suy ngẫm của người lính. Mỗi chủ đề như một thước phim ngắn, ghi lại một phần diễn biến của cuộc chiến ở những nơi mà tác giả đi qua với các cung bậc cảm xúc khác nhau. Như ở chủ đề “Chiến đấu”, tác giả - cựu chiến binh Nguyễn Hồng Quang mô tả về những tháng ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với hai câu thơ: Giấc ngủ chập chờn treo trên võng/Mũi súng ngửi trời đỉnh Trường Sơn.
Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Quang tâm sự chiến tranh đã lùi xa, cảnh quan, cuộc sống ở những nơi ông từng đi qua nay đã thay đổi. Tuy nhiên, hình ảnh và cảm xúc của những tháng ngày cầm súng bảo vệ tổ quốc vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí, nhất là ngày đầu tòng quân. “Tôi vẫn nhớ tâm trạng của ngày đầu làm đơn xin nhập ngũ. Đó là tâm trạng lo lắng, sợ không đủ tiêu chuẩn. Cảm xúc ấy giúp tôi viết ra và tâm đắc với khổ thơ:
Tôi đi bộ đội ngày đánh Mỹ
Thiếu chiều cao, cân nặng rất buồn
Chỉ lo ngay ngáy bị bỏ lại
Nhờ đơn tình nguyện trúng tuyển luôn
PGS.TS Bùi Minh Trí, Chủ tịch CLB Thơ Nhà giáo Việt Nam đã đọc tập thơ “Đi qua chiến tranh” của cựu chiến binh Nguyễn Hồng Quang. Ông cho rằng tác giả là người có tình yêu mãnh liệt với non sông, đất nước. Ông đã chiến đấu hết mình vì tổ quốc. Khi về đời thường, là người sống có trách nhiệm và có tâm hồn thơ ca nên đã chọn thơ để kể lại “thời hoa lửa” của lịch sử đất nước, thông qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. "Tập thơ Đi qua chiến tranh rất có ý nghĩa. Đó là tiếng nói, tâm hồn của một nhà thơ chiến sỹ khi ông đi qua những chặng đường với cây súng trên tay để chiến đấu, bảo vệ tổ quốc. Tác giả kể lại và ca ngợi những tấm gương chiến sỹ, thanh niên xung phong đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh vì sự bình yên của tổ quốc. Tôi tin rằng khi đọc những bài thơ trong tập thơ Đi qua chiến tranh, đọc giả sẽ xúc động sẽ học tập được nhiều nhiều, lòng yêu nước sẽ được bồi đắp thêm”, PGS.TS Bùi Minh Trí đánh giá.
Văn thơ từng được sử dụng như một loại vũ khí trong quá trình đấu tranh cách mạng. Ngày nay, thơ ca vẫn đang góp phần nâng cao tri thức, đời sống tinh thần theo cách riêng của nó. Phát huy thế mạnh của loại hình này, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Quang Quang đã cho ra đời những bài thơ về chủ đề chiến tranh và người lính, thông qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Nghe bài viết dưới đây: