Đã thành thông lệ cứ một năm 2 lần, gia đình bà Lê Thị Ngân ở Đống Đa, Hà Nội lại cùng nhau đi du lịch. Điều làm chúng tôi khá ngạc nhiên là dù tuổi cao, dù quãng đường có dài nhưng ông bà lại chọn xe máy làm phương tiện di chuyển. “Năm ngoái 2 vợ chồng tôi rủ nhau đi Nghệ An bằng xe máy. Đi đến mỗi tỉnh là chúng tôi đều dừng ở đó để thăm thú, thưởng thức món ăn và cảnh đẹp của từng địa phương. Mỗi chuyến đi như vậy cũng phải kéo dài ít nhất là 10 ngày, nhưng có đi như vậy mới thấy mình còn khuyết nhiều điều chưa biết về con người và đất nước mình…", bà Ngân kể về chuyến đi đến 10 tỉnh miền Trung của 2 vợ chồng hồi năm ngoái.

Thời trẻ, vợ chồng bà Ngân đã có sở thích đi du lịch, khám phá những vùng đất mới nhưng do bộn bề cuộc sống, hết mưu sinh, chăm các con rồi lại đến các cháu khiến ông bà không thể thực hiện được dự định đó của mình. Năm ngoái, ông bà quyết tâm tổ chức chuyến du xuân về miền Trung vừa để nghỉ dưỡng và cũng để thỏa niềm đam mê bấy lâu nay. Theo bà Ngân, những người cao tuổi như vợ chồng bà khi đi du lịch xa cần biết cách tự chăm sóc bản thân để chuyến đi được trọn vẹn như chuẩn bị chu đáo nước uống và một ít thực phẩm khô để đề phòng vì không phải lúc nào cũng vào quán ăn được. Đặc biệt là với những người có bệnh thì phải chuẩn bị đầy đủ thuốc thang cần thiết.

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà Đặng Thị Linh ở Cầu Giấy, Hà Nội vẫn tích cực tham gia các buổi dã ngoại do địa phương tổ chức. Với bà mỗi lần đi như vậy sẽ giúp những người cao tuổi có tinh thần thoải mái, “sống vui, sống khỏe”. Bà Linh cho biết: Thỉnh thoảng chúng tôi cũng tập trung nhau lại để đi du lịch cho vui, tâm lý thoải mái nhưng nếu đi xa thì không nên vì bây giờ già rồi, không đảm bảo sức khỏe. Tham gia ở phường thì mỗi năm chúng tôi cũng được đi giao lưu, đi chơi một vài lần thích lắm. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi vẫn đi, về thấy rất thoải mái, con cái cũng mừng vì thấy bố mẹ khỏe mạnh.

Đa số người già đi du lịch cùng con cháu hoặc tự tổ chức thành từng nhóm nhỏ như nhóm người cao tuổi ở phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình là một ví dụ. Các cụ có cùng sở thích đạp xe đã tập hợp nhau lại, mỗi tháng một lần tổ chức dã ngoại tham quan những danh lam thắng cảnh tại địa phương như Tam Cốc - Bích Động, đền thờ vua Đinh - vua Lê… Ông Đặng Thanh Hà, một trong những thành viên tích cực trong nhóm chia sẻ, mỗi chuyến đi như vậy, các cụ thường chuẩn bị đẩy đủ các vật dụng cần thiết nên sức khỏe của các thành viên trong nhóm đều được đảm bảo. Ngoài rèn luyện, đi du lịch cũng giúp các cụ cảm thấy vui vẻ thoải. Mỗi cụ một chiếc xe đạp tốt, có cả các dụng cụ như: kìm, cà lê, mỏ lết. Xe hỏng hóc là có thể sửa ngay tại chỗ được. Nếu đi đường trường còn có cả bác sỹ đi cùng, có bông băng thuốc men, máy huyết áp để theo dõi sức khỏe cho các cụ.

Ngày nay, khi cuộc sống đầy đủ hơn thì người cao tuổi cũng có điều kiện được chăm sóc tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, lựa chọn thú vui du ngoạn là cách mà nhiều người cao tuổi tận hưởng hạnh phúc tuổi già.

Với mong muốn được đi du lịch đó đây để tận hưởng cuộc sống nhưng do không có điều kiện để tổ chức những chuyến đi xa, dài ngày, bà Tô Thị Yên ở Đông Anh, Hà Nội thường chọn những chuyến đi ngắn ngày đến những nơi có không khí thiên nhiên trong lành như: các chùa, thiền viện cùng các bà bạn già. Với bà Yên những chuyến đi như thế này sẽ giúp những người cao tuổi như bà có điều kiện nâng cao sức khỏe. Tôi rất thích đi du lịch. Để đi xa thì tôi chẳng có điều kiện. Tôi thường chọn những chuyến sáng đi chiều về thôi. Đi như thế phấn khởi lắm, bà Yên chia sẻ.

Người cao tuổi đi du lịch - đó cũng là cách tạo niềm vui, sống khoẻ. Việc được đi đây đi đó giúp các cụ tinh thần thoải mái, trẻ trung và giảm nhiều nguy cơ bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Mời nghe bài viết tại đây: