Khi thế giới bước vào kỷ nguyên số, không khó để bắt gặp hình ảnh người trẻ ngồi bên ông bà, kiên nhẫn hướng dẫn cách sử dụng điện thoại hay truy cập mạng xã hội. Với người cao tuổi, công nghệ không chỉ là công cụ giải trí, mà còn là chiếc cầu nối để duy trì liên lạc với gia đình, tiếp cận thông tin, cải thiện trí nhớ và thậm chí là tìm thêm niềm vui sống. Tuy nhiên, để làm được điều đó, người già không thể “tự mò mẫm”.

Bà Vũ Thị Thục (75 tuổi, hiện đang sinh sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, do mắc bệnh lý ở chân, bà gặp nhiều hạn chế trong việc đi lại. Trước kia, cuộc sống của bà chỉ xoay quanh giường ngủ và chiếc TV truyền thống. Mọi việc chỉ thay đổi khi con trai bà tặng một chiếc điện thoại thông minh và hướng dẫn bà cách dùng các ứng dụng cơ bản. “Tôi thường xem điện thoại vào những lúc không được xem vô tuyến. Những lúc có con cháu ở bên thì dùng điện thoại, chơi các trò chơi thông minh, điện thoại, thấy vui lắm”, bà Thục chia sẻ.

Thực chất, lý do lớn nhất khiến người cao tuổi từ chối tiếp cận công nghệ là vì sợ làm phiền con cháu, sợ thao tác sai hoặc đơn giản là sợ “bấm nhầm sẽ hỏng hết”. Bên cạnh đó, vấn đề tuổi tác cũng khiến việc tiếp cận công nghệ trở nên khó khăn hơn khi thị lực suy giảm, tay chân yếu, trí nhớ kém. Đây cũng là lý do mà bà Thục ban đầu không hứng thú với chiếc điện thoại.

Để không ai bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy phát triển của xã hội, nhiều bạn trẻ ngày nay đã trở thành “trợ thủ công nghệ” của ông bà mình. Họ không chỉ hỗ trợ thao tác kỹ thuật, mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách thế hệ và gắn kết tình cảm trong gia đình. Vì được học tập trong môi trường phát triển công nghệ, bạn Nguyễn Phi Việt (sinh viên trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội) đã ý thức được lợi ích mà công nghệ đem lại cho con người nếu như được sử dụng đúng cách. “Việc giúp đỡ người già là cách thể hiện lòng biết ơn với ông bà. Ngoài ra thì công nghệ còn giúp ông bà động não, cũng như cập nhật thông tin ở trên báo đài thường xuyên hơn, giúp ông bà học được thêm các kỹ năng mềm”, Việt chia sẻ.

Để giúp được ông bà thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự kiên nhẫn và thấu hiểu, bởi không ít người cao tuổi sẽ thao tác sai nhiều lần, hỏi đi hỏi lại hoặc ngần ngại tiếp cận thiết bị. Chị Nguyễn Thu Huyền (46 tuổi, sinh sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, thi thoảng chị cũng nhắc nhở con trai mình kiên nhẫn khi chỉ dẫn cho bà ngoại sử dụng điện thoại: “Tôi thấy chúng ta cần phải kiên nhẫn khi hỗ trợ hoặc hướng dẫn người già thao tác trên điện thoại, luôn phải chủ động hỏi xem người già có cần hỗ trợ gì không và luôn đặt mình vào vị trí của người già để luôn cảm thông với những câu hỏi có phần hơi ngô nghê của các cụ”.

Không chỉ là giúp người già sử dụng thiết bị đơn thuần, mà đó còn là cách đưa người cao tuổi “tái hòa nhập” với thế giới thiệu đại, cũng bởi công nghệ không phân biệt tuổi tác, chỉ cần có người đủ kiên nhẫn ngồi cạnh, sẵn sàng giúp đỡ họ mỗi khi cần, thì người già cũng có thể bước qua nỗi sợ, tìm thấy niềm vui mới giữa đời sống số hóa. Với niềm tin ấy, gia đình chị Huyền mỗi ngày đều mở lớp hướng dẫn cá nhân cho các bậc cao niên trong nhà.

Khi ta chậm lại một chút để cùng ông bà học cách dùng điện thoại, đó cũng là lúc ta nối lại một mạch kết nối đã có từ rất lâu bằng tình yêu thương và sẻ chia. Và người trẻ, không phải ai xa lạ, chính là những đứa cháu, người con trong mỗi gia đình, họ không cần “giỏi công nghệ” để giúp, mà chỉ cần đặt tình yêu thương và sự kiên nhẫn vào từng hành động nhỏ mỗi ngày.