Phụ nữ béo phì ngày càng tăng

Tại Hội nghị khoa học về bệnh nội tiết đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ở Đà Nẵng vừa qua, các chuyên gia y tế cho rằng, béo phì làm tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề bất lợi về phụ khoa và sản khoa khác nhau ở phụ nữ, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Rối loạn kinh nguyệt và hội chứng buồng trứng đa nang cũng phổ biến hơn ở phụ nữ béo phì. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 80-90% phụ nữ mắc buồng trứng đa nang bị béo phì.

Buồng trứng đa nang là một bệnh lý nội tiết tố ảnh hưởng đến sự phát triển của các bào tử trong buồng trứng, gây ra các triệu chứng như kinh nguyệt không đều, tăng sản xuất hormone nam, tăng sản xuất insulin và suy giảm sức khỏe sinh sản.

Ngoài ra, phụ nữ béo phì tiềm ẩn nguy cơ mắc các rối loạn nội tiết do chuyển hóa nên dễ bị mắc bệnh lý phụ khoa như viêm âm đạo do nấm, viêm lộ tuyến cổ tử cung, rối loạn kinh nguyệt, như vô kinh, kinh thưa, cường kinh.

Một khảo sát cho thấy thừa cân, béo phì có mối tương quan thuận với giới tính nữ, vòng eo, tình trạng gan nhiễm mỡ và tăng huyết áp. Nữ giới tăng nguy cơ thừa cân, béo phì gấp khoảng 4,7 lần so với nam giới. Thừa cân, béo phì làm tăng vòng eo gấp 1,5 lần so với bệnh nhân có cân nặng bình thường.

Thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ gấp 4,5 lần so với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có cân nặng bình thường, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp độ II gấp 5,4 lần.

Kiểm soát cân nặng ra sao?

Các chuyên gia y tế cho rằng cần nhận thức và điều chỉnh kịp thời cân nặng để mang lại nhiều lợi ích không chỉ sức khỏe tổng quát, sức khỏe chuyển hóa mà còn cải thiện chức năng sinh sản, giảm tác động của những biến chứng riêng ở phụ nữ béo phì.

Để giảm cân hiệu quả cần phối hợp nhiều yếu tố gồm tư vấn, điều trị từ các nhân viên y tế, hỗ trợ thay đổi lối sống cá nhân, sự đồng hành của gia đình, các câu lạc bộ, hội nhóm giảm cân...

Chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể, bạn đã có thể giảm bớt một số triệu chứng của bệnh và giúp kinh nguyệt đều đặn hơn, điều này cũng giúp kiểm soát các vấn đề về lượng đường trong máu và quá trình rụng trứng.

Có thể hạn chế một số thực phẩm giàu tinh bột hoặc đường, thay vào đó là thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm tự nhiên chưa qua chế biến.

Ngoài ra, việc duy trì hoạt động thể chất cũng giúp bạn giảm cân và kiểm soát được thể trạng của bản thân, tập thể dục cũng mang lại năng lượng tích cực giúp bạn giảm cân hiệu quả.

Giảm stress và ngủ đủ giấc: Thường xuyên bị áp lực sẽ làm tình trạng béo phì nặng hơn. Khi bị stress cơ thể sẽ dễ tích tụ chất béo hơn là khi giữ trạng thái cân bằng. Nên giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu kéo dài.

Giấc ngủ rất quan trọng, đặc biệt là đối với người bị thừa cân, béo phì. Nếu ngủ không đủ hoặc không đúng giấc sẽ ảnh hưởng đến việc gia tăng đường huyết.

Ngoài ra, với bệnh nhân béo phì cần giảm cân trước khi có kế hoạch sinh sản để đảm bảo an toàn sức khỏe. Trong trường hợp có chỉ số BMI quá cao, cần có những biện pháp giảm cân hiệu quả để đảm bảo an toàn cho sản phụ trong quá trình mang thai, sinh con.