Các nghiên cứu trước đây đã xác định nguy cơ ung thư vú gia tăng ở người sử dụng thuốc tránh thai có 1 trong 2 loại tiết tố nữ tự nhiên là estrogen hay progestogen, hoặc loại thuốc tổng hợp cả 2 loại hormone này.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học khẳng định mọi phụ nữ dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố đều có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn từ 20-30% so với những người không sử dụng và mức độ rủi ro của các biện pháp hormone là như nhau, bất kể họ uống thuốc, đặt vòng, cấy que hay tiêm nội tiết.
Nguy cơ ung thư vú cũng tùy thuộc độ tuổi của nữ giới khi sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố.
Các nhà khoa học đã theo dõi tình hình sức khỏe của hàng trăm phụ nữ ở độ tuổi 16-39 dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố trong thời gian 5 năm.
Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm từ 16-20 tuổi là 8 trường hợp trên 100.000 người, trong khi ở nhóm từ 35-39 tuổi là 265 trường hợp trên 100.000 người.
Các nhà khoa học nhấn mạnh cần cân nhắc nguy cơ ung thư vú khi sử dụng các biện pháp tránh thai bằng hormone, mặc dù liệu pháp này cũng có khả năng bảo vệ nhất định đối với các bệnh ung thư khác ở nữ giới.
Bà Gillian Reeves - giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford và là đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết: "Không ai muốn nghe rằng thứ gì đó mà họ đang dùng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú lên 25%. Nhưng đúng là vẫn có rủi ro này, dù chỉ ở mức thấp.
Tất nhiên, sự gia tăng nguy cơ ung thư vú không thể che lấp lợi ích của việc dùng các biện pháp tránh thai nội tiết tố. Không chỉ giúp kiểm soát sinh sản, liệu pháp này còn cung cấp sự bảo vệ đáng kể và lâu dài trước các bệnh ung thư khác ở nữ giới, như ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung".