Nghị quyết số 27-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ "Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành". Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không còn "cào bằng" giữa mọi ngành như hiện nay.

Người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc. Riêng những người giữ chức vụ lãnh đạo được hưởng lương theo chức danh, chức vụ đang giữ.

Tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại. Đây được xem là một trong những bước cải cách lớn liên quan đến tiền lương của công chức, viên chức.

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp trước 15/4 và bảo đảm đủ điều kiện triển khai chế độ tiền lương mới từ 1/7.

Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn đang trong tình trạng “khó, rối, phức tạp” khi tiến hành xác định vị trí việc làm.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trả lương theo vị trí việc làm là bước đột phá, nếu chúng ta xác định được vị trí việc làm một cách chuẩn xác sẽ tạo được công bằng xã hội. Tuy nhiên đây là một yêu cầu vô cùng nhạy cảm và phức tạp, nhiều đơn vị, địa phương vẫn còn lúng túng.

“Xây dựng Đề án vị trí việc làm là việc khó khăn bởi liên quan trực tiếp đến con người, đến việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải thực hiện”, TS Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định.

Theo Bộ Nội vụ, có 2 cách phân loại vị trí việc làm. Đó là phân loại theo khối lượng công việc và phân loại vị trí việc làm theo tính chất, nội dung công việc.

Lý thuyết thì thoạt nghe thì rất dễ hình dung, nhưng quả thực khi cụ thể hóa nó bằng việc mô tả rõ ràng, tường minh, không trùng lắp, đúng người, đúng việc thì lại không hề dễ dàng. Ví dụ, sẽ không thể có sự giống y hệt nhau giữa vị trí việc làm của người này với vị trí việc làm của người khác, dù có cùng nhóm công việc đi nữa.

Đà Nẵng là đơn vị tiên phong triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm và được đánh giá có nhiều kinh nghiệm, làm việc khá bài bản. Đến nay cơ bản địa phương này đã hoàn thành khoảng 96% xác định vị trí việc làm của tất cả các cơ quan hành chính. Chỉ còn một vài đơn vị do chuẩn bị sắp xếp lại tổ chức bộ máy nên đang hoàn thiện những bước cuối cùng. Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Thu Diễm, trưởng phòng Công chức viên chức, Sở Nội vụ, thành phố sẽ đảm bảo hoàn thành vào ngày 15/4 theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.

Bà Diễm cũng cho biết, mặc dù đã triển khai từ khá sớm nhưng trên thực tế, việc tổ chức thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn và vướng mắc, phát sinh một số vị trí của công chức, viên chức ở địa phương chưa được quy định tại các thông tư hướng dẫn danh mục vị trí việc làm.

“Nhiều vị trí việc làm chưa có trong danh mục quy định nhưng thực sự cần thiết và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương, bà Võ Thị Thu Diễm nói.

Một vấn đề khác được nhiều địa phương phản ánh là việc giao chỉ tiêu biên chế và vị trí việc làm chưa gắn liền với nhau; theo yêu cầu tinh giản biên chế như hiện nay sẽ có khó khăn trong việc đảm bảo biên chế theo vị trí việc làm. Thêm vào đó là khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với một số vị trí việc làm quy định khung năng lực cụ thể với chuyên ngành hạn chế.

Quỹ thời gian để hoàn thành Đề án vị trí việc làm theo như yêu cầu của Chính phủ đã hết. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị, là yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời là cơ sở để thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Bởi vậy, điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất để về đích đúng hạn. Trong đó không thể thiếu được vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và nhạy cảm này.

Mời nghe nội dung cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ