Ngày Môi trường thế giới 5/6/2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa". Đây là chủ đề xuyên suốt trong thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc (2021-2030), để đối phó với ba cuộc khủng hoảng toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học.
Theo Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000; nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Việt Nam có quy mô dân số đứng ở thứ 15 và diện tích ở vị trí 66 trên thế giới, trong đó 3/4 đất đai là đồi núi. "Không gian sống của nước ta đang rất thấp so với mật độ chung trên thế giới" - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thoái đất, trong đó tác động của biến đổi khí hậu: nhiệt độ tăng, thủy triều dâng, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đã ảnh hưởng trực tiếp đến thoái hóa, ô nhiễm đất và mất đất.
Trả lời phóng viên VOV2, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh đến tác động của con người, đặc biệt là trong quá trình tạo ra và xử lý chất thải: rắn, lỏng, khí. Theo vị chuyên gia này, đây là những nguyên nhân trọng yếu dẫn đến suy thoái đất ở nước ta.
Rác thải rắn sinh hoạt đóng vai trò cốt yếu. Mỗi ngày có gần 70.000 tấn rác xả thải, ảnh hưởng trực tiếp đến con người, sinh vật và tự nhiên. Các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, lượng rác thải rắn sinh hoạt đã đạt từ 7000 tới 9000 tấn rác/ ngày.
"Thách thức đối với Việt Nam trong việc xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải rắn sinh hoạt tại đô thị là rất lớn. Nếu như chúng ta đem chôn lấp toàn bộ chất thải đó thì chất rỉ rác, đồng thời khí thải từ rác bốc lên gây ô nhiễm môi trường" - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết.
Về ô nhiễm nguồn nước, chúng ta chưa có những Trung tâm xử lý nước thải tập trung và việc giám sát, quản lý nguồn thải đòi hỏi phải quan trắc trực tiếp. Đồng thời phải có hệ thống hạ tầng để có thể chia nước thải sinh hoạt và nước mưa thì chúng ta mới có thể xử lý được nước thải.
"Không một nhà máy xử lý nước thải nào có đủ hóa chất để có thể vừa xử lý nước thải, vừa xử lý nước mưa. Chính vì vậy, cần đầu tư hạ tầng về phân nguồn nước thải và nước mưa, đồng thời xây dựng Trung tâm xử lý nước thải sẽ đóng góp quyết định vào việc chống ô nhiễm và suy thoái đất" - chuyên gia môi trường Nguyễn Đình Thọ phân tích.
Ô nhiễm không khí, đặc biệt là việc phát thải carbon cũng như là các chất đi-ô-xin tạo ra trong quá trình tiêu thụ năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, quá trình công nghiệp, xử lý chất thải đều ảnh hưởng trực tiếp tới suy thoái đất. Việc chặt phá rừng ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, tạo ra các cái hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, sạt lở đất, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của con người và mọi sinh vật. Liên Hợp Quốc chọn chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá" là tập trung vào không gian sinh tồn của con người, đó là đất đai và tương lai của chúng ta thì hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta sử dụng, phục hồi đất một cách hiệu quả.
Người đứng đầu Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thế giới tập trung vào khôi phục và bảo vệ đất, còn nước ta liên quan trực tiếp đến nội dung chống hạn hán, chống suy thoái đất. Đây cũng là chủ đề khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, giải quyết 3 loại chất thải quan trọng:
-Chất thải rắn sinh hoạt: Tích cực phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, thu phí rác thải theo lượng, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) và sử dụng cơ chế kinh tế thị trường để có thể thực hiện tốt mục tiêu này.
-Nước thải: Cần phải có quy hoạch để xây dựng Trung tâm xử lý nước thải tập trung.
-Khí thải: Một trong những nội dung quan trọng nhất là giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng xanh, chuyển đổi các loại xe xăng sang xe điện để xử lý triệt để ô nhiễm không khí. Việt Nam đang thực hiện phát triển thị trường carbon, thống kê kiểm kê phát thải, cấp tín chỉ carbon, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát thải thấp và thu phí các doanh nghiệp phát thải cao, mở rộng danh sách 1912 doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện thống kê báo cáo xác nhận hạn ngạch phát thải trong thời gian tới./.