Người khuyết tật ở Việt Nam chủ yếu sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là những người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/đioxin trong chiến tranh. Do đó, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách đối với người khuyết tật cũng như công tác xã hội đối với người khuyết tật, đảm bảo định hướng phát triển bền vững. Nhằm giúp người khuyết tật tự tin, bình đẳng trong các hoạt động kinh tế - xã hội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Công tác xã hội đối với người khuyết tật”. Đây cũng là hoạt động hướng tới việc kỷ niệm 28 năm ngày Quốc tế Người Khuyết tật (03/12/1992 – 03/12/2020).

Sau 10 năm thực thi, Luật Người khuyết tật đã có những chuyển biến tích cực. Với 1.130 cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật đã tạo cơ hội cho người khuyết tật có thể tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo ra công việc khác giúp họ có thu nhập để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Từ đó giúp những người khuyết tật hòa nhập xã hội, tạo điều kiện để họ được phát triển bình đẳng trong xã hội. Không những thế, các địa phương đã hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Theo ước tính, trong giai đoạn từ 2012 – 2020 có khoảng 2.500 lượt người khuyết tật được vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm.

Kết quả điều tra năm 2019 cho thấy, người khuyết tật và những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam có tới 32,5% hộ gia đình có một thành viên khuyết tật sống dưới mức nghèo với tổng thu nhập dưới 1 USD/ngày. Con số này là tăng lên 63% đối với các hộ gia đình có 3 thành viên khuyết tật. Do đó, giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống, giúp họ tự tin hòa nhập với cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ giúp Việt Nam hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc và Công ước Quốc tế về Người khuyết tật.