Ninh Bình là một trong những địa phương đã sớm phối hợp cùng Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tiến hành đưa các hành khách đang sinh sống và làm việc tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê Ninh Bình bằng tàu hỏa. Chuyến tầu đầu tiên chở 500 hành khách khởi hành từ TPHCM ngày 3/10 và đến Ninh Bình vào sáng 5/10. Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam về hoạt động này.

PV: Được biết Tổng công ty đường sắt đã chạy chuyến tàu đưa hành khách từ TPHCM và các tỉnh Nam bộ về Ninh Bình, hoạt động này là như thế nào thưa ông?

Ông Hoàng Gia Khánh: Chuyến tàu chuyên biệt SE12, khởi hành lúc 15h ngày 3/10 từ ga Sài Gòn, chở trên 500 hành khách quê Ninh Bình đi qua các ga Dĩ An (Bình Dương) và ga Biên Hòa (Đồng Nai) cũng đón khách quê Ninh Bình, tàu về đến ga Ninh BÌnh vào sáng ngày mồng 5/10. Tất cả hành khách này lên tàu được phân chia theo ga đón để bố trí chỗ ngồi, nằm, chúng tôi làm như vậy để dễ dàng quản lý và theo dõi sức khỏe hành khách trong suốt hành trình để phối hợp cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương khi cần. Toàn bộ công tác đón tiếp hành khách tại ga đã được Tổng công ty đường sắt phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT, Sở LĐTBXH và Sở Y tế của TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Ninh Bình nhằm đảm bảo các quy định về phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Để tổ chức chạy tầu chuyên biệt SE12 này, ngành đường sắt đã sử dụng các toa xe tốt nhất hiện có, tổ chức phun khử khuẩn, khư trùng tại các nhà ga, toa xe trước khi đưa ra vận dụng. Các nhân viên trên tàu đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tạm thời tổ chức vận tải hành khách của Bộ GTVT về xét nghiệm Covid và tiêm vaccin. Trên suốt hành trình, tàu chỉ dừng tại các ga để kiểm tra kỹ thuật theo biểu đồ chạy tàu, không mở cửa cho hành khách lên xuống dọc đường. Hành khách khi đến Ninh Bình, được đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Đoàn tàu sau khi về đến ga Ninh Bình được phun khử khuẩn toàn bộ và xuất phát quay lại ga Sài Gòn ngay sau đó.

PV: Thưa ông, vậy sự phối hợp giữa địa phương và Tổng công ty trong hoạt động này là như thế nào?

Ông Hoàng Gia Khánh: Trên nguyên tắc Tổng công ty đường sắt phối hợp với các địa phương, do vậy kinh phí bên địa phương sẽ đặt vấn đề để làm sao đưa người dân về quê an toàn, thuận tiện. Các đoàn tàu đều có lực lượng y tế của địa phương đi cùng, đảm bảo quá trình phòng chống dịch.

PV: Nhằm đảm bảo cho công tác phòng chống dịch, hành khách cần thực hiện những yêu cầu thế nào?

Hoàng Gia Khánh: Toàn bộ hành khách đi lên từ ga Sài Gòn, ga Dĩ An, hay ga Biên Hòa đều phải xuất trình thẻ lên tàu, giấy tiêm phòng vaccin phòng Covid, kiểm tra thân nhiệt, đặc biệt là xét nghiệm còn đang hiệu lực. Y tế địa phương cũng đi theo tàu. Quan trong hơn là chúng tôi đã phân định rõ toa nào dành cho hành khách lên từ TPHCM, toa nào dành cho hành khách lên từ Bình Dương, Đồng Nai, chỗ ngồi được phân định theo địa phương nên chúng tôi dễ dàng kiểm soát.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông

Ngày 30/9, Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn khôi phục vận tải hành khách công cộng tại địa phương nới lỏng giãn cách sau chỉ thị 16.

Trên tuyến Hà Nội -TP HCM chạy lại đôi tàu SE7/SE8 và SE5/6 từ ngày 7/10. Đến 18/10 sẽ chạy thêm đôi tàu SE3/4; tuyến Hà Nội -Vinh chạy lại đôi tàu NA1/2 từ 8/10. Tuyến Hà Nội – Hải Phòng chạy lại đôi tàu LP5/6 hàng ngày từ 7/10.

Cục Đường sắt Việt Nam vẫn xin ý kiến lãnh đạo chính quyền thủ đô Hà Nội, đề nghị tàu dừng đón, trả khách tại ga Hà Nội, mặc dù trước đó thành phố đã có ý kiến tiếp tục dừng vận chuyển khách đến ga Hà Nội.

Hành khách đi tàu phải tuân thủ 5K, khai báo y tế, có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh. Người đã tiêm một liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều, F0 khỏi bệnh trong 6 tháng thì không cần xét nghiệm.