Ngay sau khi UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm một tháng để phòng chống dịch Covid-19, lập tức, hàng nghìn người, đa phần là công nhân lao động nghèo, thuê trọ, sống trên địa bàn thành phố, đã mang theo hành lý đi xe máy định về quê tránh dịch.... tạo nên làn sóng hồi hương lần 2. Sau cuộc di dân tự phát diễn ra vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 thì có lẽ "cuộc hồi hương" lần này lớn, với mức độ nguy hiểm và phức tạp không kém gì so với lần thứ nhất. Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, xã hội phải chứng kiến tới 2 lần hình ảnh từng đoàn người tháo chạy khỏi TP. Hồ Chí Minh với đầy rẫy những hiểm nguy. Thật đau lòng, xót xa. Phải chăng những chính sách hỗ trợ của thành phố, của các địa phương trong suốt thời gian qua chưa thực sự làm an lòng người dân, để họ có thể “ở đâu ở yên đấy”?

Về hay ở - một quyết định khó khăn, day dứt của những lao động nhập cư

Hơn 20 năm sống ở đất Sài Gòn, anh Trần Quốc Cường, quê ở Bình Phước chưa bao giờ nghĩ có ngày lại rơi vào hoàn cảnh cùng cực, bi đát như thế này. Trước đây, khi chưa có dịch bệnh, thu nhập từ công việc thợ xây mà anh gắn bó bao năm qua có thể không giàu nhưng cũng đủ để anh không phải lo nghĩ nhiều tới chuyện “miếng cơm, manh áo”. Ấy vậy mà dịch bệnh xảy ra, công trình lúc có lúc không, rồi sau này là ngưng hẳn khiến anh bị cắt đứt nguồn thu nhập. Khoản tiền tích cóp được trước đó cũng cạn kiệt dần. Thậm chí có những hôm, anh phải tằn tiện đến mức chỉ ăn một bữa trong ngày để cầm cự….Lúc đó, nhiều người trong xóm trọ bắt đầu rủ nhau đi xe máy về quê, nhưng sau khi cân nhắc nhiều lẽ, anh quyết định ở lại. Cứ giật gấu vá vai, cộng thêm với các phần quà hỗ trợ của các mạnh thường quân, anh cũng sống lay lắt qua ngày.

“Chỉ ai từng trải nghiệm cảnh sống xa quê mới thấu hiểu hết được. Một ngày tính từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, người lao động như chúng tôi buộc phải kiếm được hơn 100 nghìn đồng để lo tiền ăn, tiền thuê trọ và những chi phí khác. Giờ dịch bệnh sống phụ thuộc nhưng cũng cố gắng ở yên để mong chung tay cùng thành phố chống dịch” - anh Cường bộc bạch.

Cố gắng và chia sẻ, nhưng lần này, nghe thông tin TP. HCM tiếp tục giãn cách thêm một tháng, anh thấy sẽ khó mà cầm cự tiếp nếu ở lại…..Vậy là dù biết trước sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, anh vẫn quyết định cùng một nhóm bạn cùng cảnh ngộ lên đường về quê. “Cực chẳng đã chúng tôi mới phải lựa chọn về quê theo cách này. Nhưng chỉ có về quê mới là tia hy vọng duy nhất…”, anh Cường ngậm ngùi chia sẻ.

Nhưng chỉ đi được một đoạn đường ngắn, anh đã bị cơ quan chức năng chặn lại và yêu cầu ở đâu về lại đấy. Không còn cách nào khác, anh đành quay lại xóm trọ. Mặc dù những ngày qua, anh đã nhận được một số nguồn hỗ trợ cũng như được miễn giảm tiền thuê trọ, nhưng nghĩ về khoảng thời gian một tháng tới phải ở nhà, không việc làm, không có nguồn thu nhập, thậm chí khi dịch được kiểm soát cũng chưa biết tương lai ra sao, trong anh ngổn ngang trăm mối tơ vò.

“Những người lao động nghèo như chúng tôi chỉ có hành trang duy nhất là sức lao động. Vậy mà giờ không biết làm gì, chỉ sống vạ vật, bấp bênh, rồi bị động, trông chờ vào nguồn hỗ trợ thì đó đâu phải là cuộc sống nữa...”

Những lời than ngắn, thở dài ấy có lẽ là tâm trạng chung của rất nhiều người lao động đang bị mắc kẹt lại giữa thành phố trong mùa dịch.

Nguồn lực không thiếu nhưng cách làm chưa hiệu quả

Ngay sau khi xảy ra đợt di dân tự phát lần thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải làm nghiêm, "tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú cho tới khi hết giãn cách, trừ trường hợp được chính quyền cho phép". Nhưng muốn dân ở yên thì phải lo đủ các điều kiện cho người nghèo ăn ở, sinh hoạt, bảo đảm y tế. Bởi vậy, ngay lập tức, Trung ương đã chỉ đạo TP Hồ Chí Minh phải quan tâm, chăm lo, có chính sách an sinh xã hội, đảm bảo không để người dân thiếu đói.

Ngoài gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, TP. HCM cũng kịp thời có hai gói hỗ trợ. Tất cả đều được triển khai khá nhanh. Ngoài ra, các địa phương cũng có sáng kiến gửi tiền vào cho hội đồng hương để giúp đỡ người khó khăn như Bắc Ninh, Quảng Bình. Cách làm này rất hiệu quả, hỗ trợ tại chỗ, vừa tiết kiệm lại bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân hơn so với cách di chuyển. Đặc biệt, nhiều tổ chức thiện nguyện, cá nhân hảo tâm đã giúp đỡ bằng những suất quà, túi gạo để cùng san sẻ với người lao động nghèo, giúp họ vượt qua cơn bĩ cực.

Mọi chính sách kịp thời của Chính phủ, sự chung tay của cả cộng đồng tưởng như sẽ ngăn được dòng người tháo chạy khỏi thành phố. Nhưng dường như, những sự hỗ trợ ấy vẫn chưa đủ khi số lượng người khó khăn cần được nhận hỗ trợ quá lớn, vượt xa khả năng của chính quyền.

Theo ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, khi cuộc sống của của những lao động nghèo chưa được đảm bảo và khi sinh mạng còn bị đe dọa vì không được tiếp cận các dịch vụ y tế thì các làn sóng hồi hương để tránh dịch sẽ còn tiếp diễn như những ngày vừa qua.

“Là con người thì việc làm và điều kiện kiện sinh sống là quan trọng nhất. Trong đó, với những người lao động nghèo, có việc làm mới có thu nhập để sinh sống. Và họ luôn nghĩ đến 2 điều đó. Giờ dịch bệnh xảy ra, không có việc làm, không có thu nhập buộc họ phải tìm lối thoát” - ông Thọ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thọ, khi đối mặt với tình trạng này, thay vì trách những người lao động nghèo đã bất chấp dịch bệnh để di cư một cách tự phát như thế thì hãy xem lại các chính sách hỗ trợ đã thực sự trúng và đúng hay chưa? Nhìn vào cách làm trong thời gian qua, ông Thọ cho rằng, dường như đang thiếu một sự kết nối, thiếu sự đồng bộ, nhịp nhàng giữa việc yêu cầu người dân ở yên một chỗ với sự hỗ trợ lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu để đảm bảo cuộc sống, dù chỉ cần ở mức tối thiểu.

“Khi khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cũng như các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu bị hạn chế và người lao động nghèo lo sợ phải đối mặt với khó khăn thách thức ở phía trước nên buộc họ phải di chuyển” - Đó là nhận định của ông Bùi Sĩ Lợi, đại biểu Quốc hội khóa 14. Theo ông Lợi, nếu còn tiếp diễn tình trạng này sẽ là một vấn đề rất đáng lo ngại với nhiều hệ lụy phải giải quyết. Việc tạo nên làn sóng hồi hương lần 2 vừa qua không phải do chúng ta thiếu chính sách hỗ trợ mà vì cách quản lý còn rối và lúng túng. Nếu nắm chắc được từng người trong diện khó khăn theo cách thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà” và lên danh sách cụ thể ở mỗi khu phố thì sự hỗ trợ sẽ không bỏ sót và người dân sẽ an tâm ở lại.

Dù rằng chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực từng ngày để đảm bảo không ai bị đói trong đại dịch nhưng theo bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa 14 tỉnh Phú Yên, trên thực tế, với số lượng người nhập cư đông như vậy tất yếu sẽ xảy ra tình trạng, sự hỗ trợ không phủ khắp được với mọi người dân. Và qua những lần tỉnh Phú Yên tổ chức đón người lao động nghèo về quê, bản thân bà đã được nghe chính họ chia sẻ về những thời điểm có tới 2, 3 ngày không tìm được nguồn lương thực để lo bữa ăn. Sự hỗ trợ bên ngoài thì không tới. Họ bị đói thực sự. Thậm chí có những người còn bơ vơ không có chỗ ở vì không đủ tiền để thuê nhà trọ.

“Các nhà quản lý muốn người dân “ai ở đâu ở yên đó” để thuận lợi trong công tác kiểm soát dịch bệnh nhưng còn với người dân, phải đặt họ trong thân phận, hoàn cảnh cụ thể mới hiểu được khó khăn họ đang phải đối mặt. Bây giờ họ quá lao đao rồi, không còn gì để ăn, vậy sao ngăn được họ?” - bà Phạm Thị Minh Hiền thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Dù đau lòng nhưng bà Minh Hiền cũng mong muốn cần nhìn thẳng vào thực tế này để có chính sách hỗ trợ trúng, đúng, kịp thời.

An sinh tốt sẽ an dân

Mới đây, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, qua thống kê toàn thành phố có hơn 2,5 triệu người gặp khó khăn do dịch COVID-19. Thành phố cũng đang huy động mọi nguồn lực và sẽ hỗ trợ cho tất cả những đối tượng này để không ai đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc.Việc hỗ trợ là vô điều kiện, không phân biệt hộ khẩu, cứ ai khó khăn là được hỗ trợ. Dự kiến, mỗi người sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng và 10 kg gạo. TP. HCM đề nghị người dân ở trong nhà và tiền hỗ trợ sẽ được cán bộ địa phương mang đến tận nơi, trao tận tay cho bà con, quyết tâm không để người dân cơ cực, thà chi nhiều còn hơn bỏ sót. Thành phố cũng dự kiến hỗ trợ tiền nhà trọ đối với 1.580 hộ có hoàn cảnh khó khăn với mức 1,5 triệu đồng/hộ. Đồng thời, triển khai ngay trong tuần sau chương trình trao 1 triệu túi an sinh gồm lương thực, thực phẩm và một số đồ thiết yếu cho người dân.

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, về mặt nguồn lực, có thể sẽ không thiếu nhưng để các chính sách hỗ trợ không bỏ sót một ai thì cần phải có những quyết sách, giải pháp thích hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể. Và có lẽ ở thời điểm này, sự hỗ trợ bằng tiền chưa chắc đã hiệu quả bằng hiện vật, bởi vậy, nên phát huy mô hình “túi an sinh” với những mặt hàng thiết yếu cùng lượng thực, thực phẩm đủ để người dân không bị đứt bữa. Ông Lợi cũng nhấn mạnh, đây là lúc để phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, các tổ xung kích. Lực lượng này sẽ là người nắm rõ nhất danh sách những người cần hỗ trợ khẩn cấp, điều tiết hợp lý các nguồn cứu trợ, để đảm bảo ai cũng được chăm lo.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thu Giang, Giám đốc Quỹ Vòng tay nhân ái cho rằng, chính sách hỗ trợ để đạt được mục tiêu “Ai ở đâu ở yên đấy” và chấm dứt dòng người hồi hương thì thay vì hỗ trợ tiền cần phải hướng tới nhu cầu thực sự của người dân. Bà Giang đề xuất, trước hết để tránh tình trạng người dân bị đói, chính quyền TP Hồ Chí Minh nên đứng ra hợp đồng với địa phương khác để đảm bảo các nguồn cung về lương thực, thực phẩm, rau xanh. Từ đó thiết lập hệ thống phân phối xuống đến các xã, phường, tổ dân phố để trao trực tiếp đến tận người dân. Ngoài ra, để đảm bảo chỗ ở thì chính quyền nên kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, miễn giảm tiền điện, nước, vận động chủ trọ miễn, giảm tiền thuê nhà hoặc chủ các khách sạn bình dân cùng chung tay tạo điều kiện cho người lao động bị mắc kẹt lại thành phố có chỗ ở miễn phí.

Ông Bùi Sĩ Lợi và bà Nguyễn Thu Giang đều đặc biệt nhấn mạnh, sự chăm sóc về y tế cũng là chính sách an dân vô cùng quan trọng. TP. Hồ Chí Minh cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân ngoại tỉnh ở lại được tiêm vắc-xin phòng covid- 19. Điều này cũng sẽ giúp bà con yên tâm để "ở yên".

Mới đây, ông Nguyễn Văn Nên, Bí Thư Thành ủy TP. HCM khẳng định: “Người đang cư ngụ tại thành phố, không phân biệt thành phần nào, ở đâu, chỉ cần khó khăn, thiếu thốn thì thành phố giúp đỡ vô điều kiện, đảm bảo không để ai bị thiếu đói”. Thông điệp của người đứng đầu TP là rất rõ ràng. Nhưng hơn hết, điều mà người dân mong chờ vẫn là những hành động cụ thể, thiết thực với sự hỗ trợ ổn định, có đủ lương thực, thực phẩm để bà con "ở yên" trong thời gian giãn cách xã hội. Chỉ khi nào chính sách an sinh được triển khai tốt thì khi đó việc an dân mới thực sự bền vững./.