Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều địa phương trong cả nước đã lập các chốt kiểm dịch từ xa để khống chế và kiểm soát tình hình lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng xuất hiện văn bản của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng những biện pháp thái quá, gây khó khăn cho người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù đã có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh là xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cần giao hàng thì xe phải quay đầu vì mỗi tỉnh một quy định.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy- đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bức xúc: “Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế. Áp dụng biện pháp cứng nhắc, cực đoan sẽ gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn.”

Là một địa phương từng là tâm dịch, tỉnh Hải Dương cũng đã lập các chốt kiểm soát liên tỉnh, liên huyện để kiểm soát. Tuy nhiên, do đặc thù nằm trên huyết mạch giao thông vùng Đông Bắc, tỉnh cũng linh hoạt trong việc tạo điều kiện cho lưu thông từng luồng, giữ sự liên kết giữa sản xuất và lưu thông sản phẩm nông nghiệp đến các địa phương khác. Do đó mặc dù nằm giữa Hải Phòng và Hà Nội là những địa phương kiểm soát phương tiện ra vào khá ngặt nghèo nhưng Hải Dương không để xảy ra tình trạng ùn ứ xe tại các cửa ngõ.

Hiện nay, nhiều người dân làm việc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra bức xúc khi bị các chốt chặn dịch gây khó khăn khi họ di chuyển về các địa phương lân cận. Ngay lập tức, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra tại các cửa ngõ, yêu cầu các ngành Công thương, GTVT, CSGT nhanh chóng đưa “luồng xanh ưu tiên” Hà Nội vào “luồng xanh” chung quốc gia nhằm đảm bảo tính liên tục trong việc lưu thông hàng hóa.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, người dân nên thông cảm và chia sẻ cùng chính quyền, vì đây là biện pháp cấp bách nên khó tránh khỏi những xung đột lợi ích.

“Khi mà chúng ta áp dụng biện pháp nghiêm khắc, cực đoan, thì nó sẽ gây cản trở, ảnh hưởng đến sự đi lại của người dân. Nhưng ở chừng mực nào đó chúng ta phải chấp nhận trong một thời gian nhất định, để giảm thiểu việc lây nhiễm. Cơ quan quản lý các tỉnh, thành phố cũng cố gắng tìm những biện pháp để phù hợp với nhu cầu di chuyển cho người dân. Việc để công nhân ở tại khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế gặp nhau, đi lại cũng là để kiểm soát tốt dịch bệnh."- Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn kế hoạch hợp tác trong sản xuất, cung ứng hàng hóa. Bộ Công thương khuyến khích cung ứng tại chỗ, xác định nhu cầu hàng hóa cần cung ứng trong tình huống phải thực hiện theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của từng địa phương để khẩn trương kết nối cung cầu giữa các địa phương với các nhà sản xuất, nhà phân phối theo cơ chế thị trường, điều phối hàng hóa cho các địa phương đang trong tình trạng thiếu cục bộ.

Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành văn bản số 1015/TTg-CN chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng xem xét, phối hợp và nghiêm tức thực hiện: Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương rất khác nhau và các biện pháp phòng, chống dịch cũng khác nhau. Sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin là các biện pháp cần thiết. Nếu thiếu sự thống nhất giữa các biện pháp phòng, chống dịch thì rất dễ dẫn đến ùn tắc trong việc lưu thông hàng hóa và tham gia giao thông của người dân.