Nhiều người cho rằng họ thích “lang thang” trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Twitter… thay vì đọc báo, tạp chí chính thống, thậm chí là xem truyền hình, hay nghe đài. Sự bùng nổ của mạng xã hội khiến báo chí chính thống không còn là nguồn tin duy nhất. Người dùng có thể tìm thấy thông tin từ nhiều nguồn khác nhau khiến cho báo chí chính thống phải cạnh tranh khốc liệt để giữ chân độc giả và khán, thính giả. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để báo chí chính thống khẳng định vai trò truyền thông, định hướng dư luận, đấu tranh với những luận điệu sai trái, những điều xấu độc trong xã hội.

Trung bình mỗi ngày, Nguyễn Lan Quỳnh ở quận 8, TP.HCM dành khoảng 2-4 tiếng trên mạng xã hội. Quỳnh có đầy đủ tài khoản trên các nền tảng hiện nay như: Facebook, Zalo, Instagram, tiktok, twitter, kênh nào cũng có hàng nghìn người theo dõi. Vậy nên, buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên của Quỳnh là mở mạng xã hội xem có thông tin gì mới. “Em là người trẻ, em lướt mạng xã hội rất nhiều. Khi có tin tức gì thì mạng xã hội cập nhật cực kỳ nhanh”, Quỳnh nói.

Cập nhật nhanh là ưu thế nổi trội của mạng xã hội khi mà ai cũng có thể trở thành nguồn tin hoặc chia sẻ thông tin chỉ với vài thao tác, không qua kiểm duyệt. Từ người trẻ cho đến người già, đều bị cuốn vào dòng chảy tin tức trên mạng xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hiến ở Nam Định chia sẻ: “Điểm tích cực của mạng xã hội facebook là chia sẻ rộng rãi, cập nhật nhanh, thế nhưng việc tin tưởng thì phụ thuộc vào năng lực sàng lọc của từng cá nhân”.

Nhà ông Hiến vẫn có chiếc radio để đầu giường và tivi đặt ở phòng khách. 4 thành viên trong nhà ai cũng có điện thoại kết nối Internet. Để giúp bản thân sàng lọc được thông tin trên mạng, ông Hiến vẫn không từ bỏ thói quen nghe/ xem tin tức từ các kênh chính thống.

“Khi tiếp thu thông tin mạng xã hội cũng phải cân nhắc và tính toán. Bằng cách dùng hiểu biết của mình. Ví dụ thông tin từ VTV1 hay radio đã được phê duyệt mới đưa lên. Đó là chính thống nhất, mạng khác đưa lên chỉ là tham khảo”.

Trao đổi với Phóng viên VOV2, TS. Nguyễn Đồng Anh, Phó Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hoá Đối ngoại, Học viện Ngoại giao cho rằng, người dân có điều kiện kết nối Internet tốt hơn, tỉ lệ sở hữu các thiết bị điện tử công nghệ cao hơn là một trong những nguyên nhân chính khiến mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh trong những năm qua. Bên cạnh đó, công chúng trên nền tảng số phần lớn là giới trẻ. Nhất là những người trẻ thế hệ gen Z (những người có năm sinh trong khoảng từ 1997-2012) được sinh ra trên nền tảng số. Ngay từ khi còn bé, nhiều người trẻ đã sở hữu các thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại, laptop...TS. Nguyễn Đồng Anh phân tích thêm, bản chất của nền tảng số và việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội đến từ việc khả năng tương tác trực tiếp giữa những người sáng tạo nội dung và những người thụ hưởng nội dung. Khả năng tương tác đó tạo ra tính đa chiều và làm cho công chúng, độc giả cảm thấy thú vị hơn và dễ dàng chia sẻ hơn.

TS. Nguyễn Đồng Anh phân tích thêm, bản chất của nền tảng số và việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội đến từ việc khả năng tương tác trực tiếp giữa những người sáng tạo nội dung và những người thụ hưởng nội dung. Khả năng tương tác đó tạo ra tính đa chiều và làm cho công chúng, độc giả cảm thấy thú vị hơn và dễ dàng chia sẻ hơn.

Việc lập một tài khoản và đăng tải thông tin trên mạng xã hội chưa bao giờ dễ dàng như thế, không ít tài khoản vì để “câu view”, “câu like” mà đã đưa những tin giả, thông tin thiếu kiểm chứng, gây mất an ninh trật tự xã hội, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận. Giữa vô vàn thông tin không kiểm chứng, chính những người trẻ như Nguyễn Lan Quỳnh ở quận 8, TP.HCM cũng trở nên bối rối.

Nguyễn Lan Quỳnh cho hay “Mạng xã hội nhiều fake news em không biết có đúng không, nên em xem chỉ là để đó. Em sẽ đợi báo chí chính thống đăng, họ có thông tin chi tiết hơn…cơ quan giải quyết thế nào”.

TS. Nguyễn Đồng Anh lý giải, chính sự tiện lợi trong việc chia sẻ thông tin qua nền tảng công nghệ và sự phổ biến của các loại hình thiết bị công nghệ, người dùng có thể tương tác, chia sẻ những thông tin khác nhau. Sự tiện lợi đó ngoài những mặt tích cực trong việc chia sẻ thông tin, thông điệp, làm cho quá trình truyền thông mượt mà hơn, cũng có mặt tiêu cực, đó là một số tài khoản có thể nặc danh, sử dụng công cụ mạng xã hội vì một mục đích nào đó, lan tỏa những thông tin chưa chính xác. Trong khi đó, công chúng giới trẻ chưa có “hệ miễn dịch” trong môi trường truyền thông thì sẽ dễ dàng chia sẻ và lan tỏa những thông tin chưa chính xác, tạo nên những tin giả, những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí sai sự thật trên mạng xã hội.

Ở góc độ quản lý nhà nước, về thông tin báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo TW có nhiều nỗ lực để loại bỏ những thông tin xấu độc. Bản chất thông tin trên mạng xã hội là do người dùng tạo ra nhiều, liên tục. Theo TS. Nguyễn Đồng Anh, trong quá trình gạn lọc những thông tin, rất cần sự chủ động của công chúng, của chính người dùng. Mỗi người đều có tài khoản mạng xã hội chính danh, các kênh truyền thông chính thống như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đơn vị báo chí chính thống đều tiếp cận theo góc độ đa nền tảng và đều có các kênh truyền thông trên mạng xã hội. Người dùng nếu tiếp cận với thông tin, khi xác định được tài khoản chính danh có thể ấn nút theo dõi, cài đặt để hiện thị những thông tin đó theo dạng ưu tiên.

Mạng xã hội khiến bất cứ ai có thể trở thành nhà báo, phóng viên…bởi có thể đăng tải thông tin, hình ảnh, video mọi lúc mọi nơi. Trong khi đó, báo chí chính thống cần có thời gian để tìm hiểu, kiểm chứng thông tin chính xác, phải biên tập kỹ lưỡng trước khi đưa tới người dùng và thường sẽ chậm hơn mạng xã hội. Điều này đặt ra thách thức lớn với báo chí chính thống cần đẩy nhanh tốc độ khai thác, biên tập thông tin. Đội ngũ nhà báo, phóng viên và cộng tác viên các cơ quan thông tấn báo chí chính thống là những người đầu nguồn tin tức. TS. Nguyễn Đồng Anh cho rằng, phải làm sao đẩy được tin tức từ nơi đầu nguồn đó, thông qua bộ lộc thông tin để đến với công chúng nhanh nhất.

Nhiều vụ việc lan truyền tin giả, tin không đúng sự thật đã bị cơ quan chức năng phạt, đã giúp nhiều người dùng mạng xã hội cẩn trọng hơn, biết sàng lọc khi đọc. Phần cạnh tranh còn lại của mạng xã hội và báo chí chính thống chính là sự tin cậy của công chúng.

“Trong thời đại công nghệ bùng nổ như ngày nay thì em nghĩ báo chí chính thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong thẩm định thông tin đưa đến người đọc thông tin đầy đủ chính xác” – bạn trẻ Lê Vân Anh ở Hà Nội chia sẻ.

TS. Nguyễn Đồng Anh cho rằng, thông tin nhanh, trung thực, khách quan và bình luận một cách thuyết phục là chìa khóa thành công của báo chí chính thống nhằm định hướng thông tin và dư luận xã hội trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin mạng xã hội hiện nay.

Thiết nghĩ báo chí không cần thiết phải chạy đua với mạng xã hội để đưa ra những thông tin hời hợt, không kiểm chứng. Thay vào đó, báo chí chính thống có thể tận dụng mạng xã hội để thu thập thông tin ban đầu, lan truyền tin tức chính xác tới công chúng một cách nhanh chóng, kịp thời. Trong lúc xã hội đang đa chiều thông tin, công chúng muốn tìm đến sự thật, chân lý thì đây chính là lúc báo chí phát huy thế mạnh, đó là khả năng kiểm chứng thông tin đa chiều và tạo ra nội dung mang tính chuyên nghiệp.

Truyền thông đa phương tiện là một trong những xu hướng được nhiều đơn vị báo chí hiện nay thực hiện. Người dân sẽ tiếp cận được với báo chí mọi nơi, mọi lúc, trên mọi phương tiện, nhất là các phương tiện di động, cầm tay. Theo TS. Nguyễn Đồng Anh, nếu có nội dung chuẩn, chính thống thì báo chí chính thống cần đóng gói nội dung cho hấp dẫn độc giả, khán thính giả. Thị hiếu của công chúng dựa trên cách tiếp cận, sẽ hấp dẫn bởi những thông tin tương tác đa phương tiện. Cách đóng gói nội dung của các cơ quan báo chí truyền thông cũng rất quan trọng để mang đến cho công chúng những thông tin vừa chuẩn xác, vừa hấp dẫn và tăng sự tương tác.

TS. Nguyễn Đồng Anh nhấn mạnh, một điều quan trọng nữa là cần phải bồi dưỡng, đào tạo người làm báo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà báo cả về chính trị, đạo đức lẫn chuyên môn nghiệp vụ...Trên hết, mỗi nhà báo cần có trách nhiệm trong lựa chọn, xử lý thông tin, đưa hay không đưa, đưa như thế nào là phù hợp để không tác động tiêu cực, không gây hậu quả xấu tới xã hội.

Những thách thức mà báo chí chính thống đang đối mặt là không nhỏ, đòi hỏi báo chí phải đổi mới để khẳng định vị thế, vai trò định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội. Nắm bắt cơ hội để tiếp cận với đông đảo công chúng chính là chìa khóa để báo chí chính thống phát triển. Trên hết, báo chí cần tiếp tục giữ vững vai trò trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời và đúng định hướng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Nghe nội dung chương trình Diễn đàn VOV2 với chủ đề: "Báo chí chính thống trước sự bùng nổ của mạng xã hội" tại đây:

# Hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện; 127 báo, 670 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.

# Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022; còn tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài phát thanh, truyền hình giảm 23% so với năm 2022.

# Trong khi đó, hiện nay hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước; chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước.

# Theo báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội vừa được công bố, lượng người dùng mạng xã hội trên toàn cầu đã vượt mốc 5 tỷ người. Tại nước ta, thời điểm đầu năm 2024, thống kê cho thấy có tới hơn 73% dân số sử dụng mạng xã hội; gần 93 % tổng số người dùng Internet tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng truyền thông xã hội.