Sáng 20/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tuần ba tháng Sáu năm 2023.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ và Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đồng chủ trì hội nghị.

Hội nghị diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023) với hai nội dung thảo luận chính: đánh giá bước đầu phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và triển khai kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Hội nghị đã nghe Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trình bày kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Theo ông Trần Thanh Lâm, sau 98 năm xây dựng và trưởng thành, Việt Nam hiện có hơn 800 cơ quan báo chí với đội ngũ hùng hậu hơn 41.000 người làm báo. Năm 2025 đánh dấu mốc kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, sự kiện có ý nghĩa chính trị-nghề nghiệp đặc biệt của báo chí và những người làm báo.

Với ý nghĩa đó, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025) nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng về truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam; tôn vinh, biểu dương những người làm báo có nhiều thành tích, đóng góp.

Ban Tổ chức có kế hoạch tổng thể gồm các nội dung chính xoay quanh các chủ đề tuyên truyền là: “Báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, là diễn đàn tin cậy của nhân dân”; “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; “Xây dựng môi trường báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa."

Điểm nhấn của đợt cao điểm kỷ niệm là Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia nhân dịp 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; Hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu lần thứ hai”; biên soạn bộ sách “100 năm báo chí cách mạng Việt Nam”; xây dựng phim tài liệu 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam.

Với tầm quan trọng của sự kiện, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông nâng cao chất lượng tuyên truyền về các hoạt động báo chí; xây dựng chuyên mục, chuyên đề 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và chất lượng sản phẩm báo chí, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tiễn...

Báo cáo tại Hội nghị về triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí," Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết nhiều cơ quan báo chí, các hội nhà báo, liên chi hội nhà báo đã hưởng ứng tích cực phong trào gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều mô hình hay, thiết thực và có hiệu quả.

Để thực hiện có hiệu quả, thiết thực phong trào trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các cấp hội, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí cần tập trung gắn nội dung phong trào thi đua với trách nhiệm chính trị của đơn vị trong từng giai đoạn cụ thể.

Đặc biệt, coi trọng việc kiểm tra giám sát ở các cấp hội để kịp thời biểu dương khen thưởng tập thể cá nhân tổ chức hội, hội viên gương mẫu; chấn chỉnh, nhắc nhở đơn vị chưa thực hiện tốt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu nhấn mạnh trải qua 98 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành và đóng góp quan trọng trong những chặng đường đấu tranh cách mạng của Đảng, nhân dân, trong bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Phó Thủ tướng trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tất cả các nhà báo, giới báo chí cả nước đã chủ động, tích cực, nỗ lực, đồng hành cùng Chính phủ; mong muốn báo chí tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng, tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên của mỗi người dân, doanh nghiệp, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị cùng toàn dân vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2023.

Theo Phó Thủ tướng, báo chí cần thực hiện tốt vai trò là công cụ truyền thông chính sách sắc bén đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả. Báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để nhân dân phát huy dân chủ, vai trò làm chủ, giám sát và phản biện xã hội.

Bày tỏ vui mừng tham dự Hội nghị giao ban báo chí nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gửi tới những người làm báo cả nước lời chúc tốt đẹp, chúc những người làm báo cách mạng Việt Nam "bút sắc, lòng trong,” thực hiện thật tốt vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh nghề nghiệp để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Biểu dương những kết quả mà báo chí cả nước đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là công tác tuyên truyền, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, toàn xã hội luôn dành sự quan tâm đối với báo chí, đồng thời ghi nhận vai trò, sứ mệnh, những đóng góp quan trọng của báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền.

Nửa nhiệm kỳ qua, báo chí đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, những sự kiện, vấn đề quan trọng, tình hình kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước tạo được điểm nhấn, sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Báo chí đã bám sát diễn biến thực tiễn đời sống xã hội; thông tin trách nhiệm, vừa thực hiện yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đồng thời đáp ứng cơ bản nhu cầu thông tin của người dân; thể hiện được vai trò định hướng, chủ động dẫn dắt thông tin. Ý thức chính trị, sự nhạy cảm chính trị của các cơ quan báo chí, người làm báo ngày càng tốt hơn, không vì cạnh tranh thông tin mà thông tin một cách dễ dãi, hời hợt theo mạng xã hội.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao việc nhiều cơ quan báo chí đã những tìm tòi, đột phá đổi mới, ứng dụng nhiều phương thức tác nghiệp hiện đại, thể hiện nội dung thông tin dưới những hình thức mới, hiện đại, qua đó tạo sự thân thiện trong tiếp cận thông tin của độc giả, khán giả, làm chủ không gian truyền thông mới.

Cùng với những kết quả đạt được, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý một số vấn đề tồn tại, hạn chế mà các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí cần quan tâm, có giải pháp khắc phục ngay.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị thời gian tới báo chí cần phải giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, vai trò đi trước mở đường, vai trò chủ lực trong công tác thông tin tuyên truyền; thể hiện rõ nét là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước trong bất kỳ giai đoạn nào của đất nước. Tập trung xây dựng các chuyên mục, chương trình tổng kết, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phải góp phần xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách Việt Nam.

Các cơ quan báo chí cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền kỹ lưỡng, chu đáo công tác chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đồng thời chú trọng hơn đến việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo có văn hóa.

Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí ngày càng phải chủ động hơn, kịp thời hơn, sát thực tiễn hơn trong chỉ đạo, định hướng thông tin, cùng với đó tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, sai phạm trong hoạt động báo chí; tích cực nghiên cứu có các giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

(TTXVN/Vietnam+)