Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chính sách hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và đảm bảo an sinh xã hội một cách công bằng đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ di cư, phụ nữ ở khu vực nông thôn. Đặc biệt trong đó phải kể đến chính sách bảo hiểm xã hội, một giá đỡ an toàn, bền vững và là trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta.

Với mục tiêu đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới, Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung năm 2014 có một số quy định mới khá tiến bộ về đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới như: Quy định về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tạo điều kiện cho nhiều nhóm lao động nữ yếu thế trong thị trường lao động có cơ hội được tham gia bảo hiểm xã hội; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm thúc đẩy đối tượng tham gia; giảm dần khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; chế độ thai sản của Việt Nam so với các nước trong khu vực có nhiều quy định có lợi nhất cho lao động nữ về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Nhà nước đã ban hành chính sách để hỗ trợ những nhóm phụ nữ và trẻ em gái yếu thế, thiệt thòi nhất trong xã hội, giúp họ vượt qua khó khăn và hòa đồng với xã hội. Trong đó tập trung vào chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phụ nữ ở nông thôn.

Mời các bạn cùng nghe phân tích, chia sẻ của cơ quan chức năng, phụ nữ ở khu vực nông thôn về ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội - một trong những trụ đỡ quan trọng của hệ thống an sinh: