Chúng ta thường nói im lặng là “vàng”, im lặng là “chìa khóa” của hạnh phúc gia đình... Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những vụ việc, khi im lặng lại vô tình tiếp tay cho bạo lực gia đình. Sự việc xảy đến với chị C., ở tỉnh Bắc Giang là trường hợp điển hình. Mới đây, chị bị chồng đánh tới mức “thập tử nhất sinh”. “Bệnh nhân vào viện trong tình trạng mất máu, da xanh, gương mặt nhạt do nhiều vết thương trên người. Rất may, bệnh nhân đã được sơ cứu kịp thời trước khi chuyển vào đây”, bác sỹ trực tiếp điều trị cho chị C. cho biết.
Sau nhiều ngày chữa trị, chị C. đã giữ được tính mạng. Những vết thương trên cơ thể cũng đã dần siu lại. Tuy nhiên, nỗi đau trong tâm hồn sẽ không bao giờ có thể chữa lành.
Chị C. cho biết, trước khi cưới, chồng luôn tỏ ra là người ga-lăng, yêu và chiều chị. Nhưng sau khi cưới, anh ta trở thành một con người khác, ăn nói cục cằn, ham rượu chè và cờ bạc. Không ít lần, vì say rượu và nợ nần, anh ta đã chửi mắng, thậm chí dọa giết chị. “Anh ta thường xuyên đe dọa, từng cầm dao vào nhà mẹ đẻ em, kề cổ em, đe dọa cắt lưỡi, khoét mắt em”, chị C. kể.
Ban đầu, vì sợ “xấu chàng hổ ai” nên chị C. chọn cách nhẫn nhịn. Nhưng càng nhịn, chị thấy mức độ bạo hành của chồng càng gia tăng. Cho đến một ngày, chị nghĩ đến việc ly hôn để đảm bảo an toàn về tính mạng. Song chưa kịp thực hiện ý định thì những điều chị không ngờ đã xảy đến. “Em làm đơn lên xã nhờ giải quyết. Trên đường về, chồng em nhảy xuống túm tóc, ghì em xuống đường, định khoét mắt và cắt lưỡi nhưng em chống cự. Không thực hiện được hành vi theo ý đồ, anh ta chọc dao vào mồm em. Em hô dân làng giúp đỡ nhưng vẫn bị anh ta cắt gân bên tay trái. Em cư nghĩa anh ta chỉ dọa, không ngờ anh ta làm thật!”, chị C. bàng hoàng nhớ lại.
Cũng như chị C., bên trong dáng vẻ bình yên của căn nhà khang trang ở ngoại thành Hà Nội là sự khổ đau mà chỉ riêng chị L. phải chịu đựng. Gần 5 năm nay, cứ mỗi khi đi làm về, chị như trở thành tù nhân trong chính ngôi nhà của mình, nhất là khi màn đêm buông xuống. “Anh ý đánh xong lại muốn quan hệ mà phụ nữ có cảm hứng thì mới yêu được, còn không thì khó hợp tác. Em từ chối thì anh đánh, lấy chân đạp vào mặt, bảo mày biến đi”, chị L. kể.
Đã có lần, chị bị chồng đánh thâm tím mặt mày, chân tay đau nhức. Hôm sau đi làm, chị phải nói dối đồng nghiệp và bạn bè là bị ngã.
Theo chuyên gia về ứng phó với bạo lực giới Lê Thị Phương Thúy, có nhiều nguyên nhân khiến người phụ nữ rơi vào tình thế nguy hiểm, trở thành nạn nhân trong chính ngôi nhà của mình. “Có nhiều thứ ràng buộc, chi phối người phụ nữ. Họ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cũ. Chẳng hạn, họ cứ nghĩ phụ nữ là phải có chồng, con phải có đủ bố mẹ mà pháp luật có quy định thế đâu, cũng đâu có phê phán mẹ đơn thân. Nhiều phụ nữ thậm chí còn không biết được hậu quả của bạo lực gia đình. Ví dụ, những đứa trẻ sống trong môi trường có bạo lực, sẽ còi cọc về thể chất, hạn chế về học tập và giao tiếp về xã hội…”, bà Thúy phân tích.
Đề cập nguyên nhân của vấn nạn này, bà Phan Thị Thu Hiền, chuyên gia về giới cho rằng có yếu tố từ sự nhìn nhận của xã hội “Người Việt Nam mình vẫn hay coi bạo lực gia đình, nhất là bạo lực về tình dục là vấn đề nhạy cảm, riêng tư. Chẳng hạn, khi bị người phụ nữ bị bạo lực về tình dục, họ nói ra thì bị chỉ chích. Như thế tức là họ thêm một lần nữa bị tổn thương”, bà Hiền nêu thực tế.
Tục ngữ có câu “Một điều nhịn, chín điều lành”, im lặng cũng được ví là “chìa khóa” giữ cho hôn nhân hạnh phúc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để gia đình êm ấm, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra thì người phụ nữ cần tự giới hạn sự nhẫn nhịn. Khi nửa còn lại có những hành vi vượt quá giới hạn đó thì người phụ nữ cần lên tiếng. “Nạn nhân thường không bị bạo hành ngay một cách nghiêm trọng mà mức độ bạo hành cứ gia tăng dần. Nó thường bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng lại không được giải quyết theo hướng tôn trọng nhau, mà hay theo hướng dựa trên quyền lực của người đàn ông, chiều theo ý của người đàn ông. Vì thế, bạo lực liên tục “leo thang”. Chị em từ cần giải quyết những việc nhỏ, mâu thuẫn nhỏ trên cơ sở tôn trọng nhau, đồng thời cần tin vào cảm giác của mình. Khi nào mình thấy sợ, tức là bản năng nói cho mình đang nguy hiểm đến bản thân. Đó là lúc phải dừng lại, hãy tách ra và yêu cầu sự trợ giúp. Nếu để đến lúc sợ không dám phản ứng thì lúc đấy đã muộn!”, bà Thúy phân tích.
Bà Thúy cũng khuyên chị em phụ nữ nên trau rồi kiến thức, độc lập, tự chủ về tư tưởng, kinh tế để trong bất kỳ tình huống nào đểu ở thế chủ động. Khi xảy ra mâu thuẫn, phụ nữ cần giải quyết trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên, đồng thời có các phương án để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Nghe bài viết dưới đây: