Rạn san hô được xem là một trong những hệ sinh thái quan trọng bậc nhất vùng biển. Chúng đóng vai trò quan trọng đối với nhiều cộng đồng dân cư vùng ven biển về phương diện bảo vệ đất đai chống sói mòn bờ biển và phục vụ cuộc sống con người. Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho thấy, từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang hiện có khoảng 40 - 60% cỏ biển, 70% là rừng ngập mặn đã biến mất và khoảng 11% các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi.

Ở Bình Định, hệ sinh thái rạn san hô phân bố đa dạng, tập trung chủ yếu ở các khu vực ven biển như xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), huyện Hoài Nhơn, vùng Hoài Mỹ và vùng giữa hai huyện Phù Mỹ và Phú Cát. Các rạn san hô này từ lâu đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống cộng đồng. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu cùng việc phát triển du lịch và khai thác thủy sản ở địa phương, khiến cho các rạn san hô bị xâm hại.

Trước thực trạng đó, nhiều địa phương đã triển khai những biện pháp tích cực để bảo tồn rạn san hô. Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, tốc độ phát triển rạn san hô rất lâu nên việc bảo vệ cần được chặt chẽ và nghiêm ngặt. Từ năm 2016, các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn biển như Gef, MCD và dự án CRSD, đã hỗ trợ tỉnh Bình Định trong việc đánh giá và lập kế hoạch bảo vệ các vùng biển có rạn san hô. Hiện có tổng cộng 4 tổ chức cộng đồng đã được UBND TP Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển theo Luật Thủy sản 2017. Các tổ này có tổng cộng 220 người, được giao quản lý 46 ha mặt nước.

Bên cạnh đó, Bình Định cũng đã có những nỗ lực nhằm bảo tồn các rạn san hô như làm sạch bờ biển, theo dõi rạn san hô hàng năm và tiêu diệt sao biển gai ở các vùng rạn san hô thuộc 4 xã/phường Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải và Ghềnh Ráng. Tiếp tục chương trình giám sát hệ sinh thái rạn san hô năm 2021 và 2022 tại Bình Định; - Phối hợp Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển, phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm hỗ trợ cộng đồng địa phương tại 03 xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và Ghềnh Ráng tiến hành khảo sát chất lượng hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực được giao quyền quản lý...

Với rất nhiều nỗ lực, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, hiện nay, độ phủ san hô sống ở Bãi Dứa đã chiếm gần 76%, trong đó san hô mềm chiếm 13%. Ở Hòn Khô Nhỏ đạt hơn 44%, còn ở Hòn Nhàn - Ghềnh Ráng đạt gần 32%. Rạn san hô ở Bãi Trước -Nhơn Châu đã đạt hơn 24%. Hiện cộng đồng và du khách thường xuyên thấy rùa bơi trong rạn san hô.