Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, hôm nay (31/5), Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Một số đại biểu đã chỉ ra, thời gian gần đây, tình trạng sợ trách nhiệm, không dám hành động trong một bộ phận cán bộ, công chức là rất đáng lo ngại, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với đội ngũ cán bộ, công chức về trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm là làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý.

Thực tế này làm cho công việc bị trì trệ, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, huy động các nguồn lực phát triển, cũng như công việc của người dân, doanh nghiệp,... Không những thế, sợ trách nhiệm còn làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao.

Các đại biểu đều nhận định rằng, hiện tượng này đang lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công sang khu vực tư.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, cần phân hóa, phân định rõ có những kiểu cán bộ sợ trách nhiệm nào và nguyên nhân của căn bệnh này là gì thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả. Ông chỉ ra, hiện nay, có hai nhóm cán bộ: Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Nguyên nhân là do một số văn bản qui định pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện, điển hình như cùng một nội dung qui định, nhưng lại có 2 cách hiểu khác nhau; hay cùng 1 nội dung công việc, nhưng lại có 2 văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.

Hơn nữa, một bộ phận không ít cán bộ do không nắm vững văn bản pháp luật hoặc vận dụng theo luật này thì đúng nhưng lại sai so với luật khác hoặc cán bộ không dành thời gian, không đủ thời gian nghiên các văn bản pháp luật nên ủy thác hết cho cơ quan và bộ phận giúp việc thẩm định trước khi hạ bút ký.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất, cùng với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả, đặc biệt là có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước, đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự. Từ đó, đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngán ngại, sợ sai, sợ bị xử lý kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự….

Trước thực tế này, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng giải pháp cấp thiết và cần phải làm ngay đó là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt.

Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi trận tiến vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn để giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, cũng như tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Để làm được điều này, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng về căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai của một bộ phận cán bộ hiện nay...

Ông kiến nghị, Chính phủ cần có những biện pháp đủ mạnh, để xốc lại tinh thần của một bộ phận cán bộ sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm. Điều này sẽ giúp "căn bệnh" không lan ra diện rộng, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của mỗi địa phương cũng như ảnh hướng tới sự phát triển chung của đất nước.