Bước ngoặt tuổi 34

Đó là buổi sáng chủ nhật ở ngân hàng – nơi anh Kiệt công tác, vị trí kế toán. Cuộc họp vừa kết thúc, anh Phạm Tuấn Kiệt cảm thấy đau nhức ở thắt lưng. Cơn đau dữ dội lan xuống toàn bộ chân. "Lúc đầu mình nghĩ chỉ là đau lưng bình thường do mình vận động mạnh" - Kiệt là người chơi bóng đá và các môn thể thao khác.

Chỉ sau một giờ, đôi chân hoàn toàn mất đi cảm giác. "Hình như tôi bị liệt rồi"- Kiệt hoảng hốt gọi các anh chị em trong phòng. Họ xốc nách hai bên cho anh đứng dậy nhưng đôi chân cứ lết xuống đất.

Ký ức buồn thường khó xóa hơn bất kỳ cuốn băng cũ nào. Bà Phan Thị Tuấn – mẹ anh Kiệt cùng chồng chạy đến bệnh viện sau cuộc gọi điện thoại báo tin từ đồng nghiệp của con trai. “Ước gì đó chỉ là một cái ngã rồi sẽ lành” – bà đã nhiều năm hy vọng như vậy -"Kiệt khỏe lắm, không ai nghĩ bị bệnh đâu".

Kiệt trải qua nhiều bệnh viện và cuối cùng dừng chân ở bệnh viện Việt Đức. Mọi chụp chiếu y khoa không mang lại câu trả lời: Tại sao một thanh niên khỏe mạnh 34 tuổi lại bị liệt 2 chân chỉ sau một lần đau nhói? Các bác sĩ quyết định mổ.

“Anh bị viêm tủy ngang” - bác sĩ thông báo kết quả.

Tình trạng viêm khiến tín hiệu thông tin do tủy sống gửi đi đến khắp cơ thể bị gián đoạn, dẫn đến cảm giác đau, tê liệt, yếu cơ, rối loạn cảm giác và chức năng ở ruột, bàng quang. Bác sĩ nói với chàng thanh niên đang yếu ớt và cũng tràn đầy hy vọng rằng: "Anh về đi, sau 6 tháng không có gì thì mình chấp nhận sự thật là bị liệt".

Anh ra khỏi bệnh viện trên chiếc xe lăn. “6 tháng” – trong đầu Kiệt không ngừng vang lên mốc thời gian này.

"Tôi không đi ra ngoài, đóng cửa trong phòng và cắt hết liên lạc với bạn bè".

Khi đó anh có bạn gái chứ?

"Tôi đã nói với cô ấy rằng sau 1 tháng anh không hồi phục thì đừng đến gặp anh nữa. Sau một tháng tôi cắt liên lạc hoàn toàn với cô ấy".

Người bị chấn thương cột sống giống như mất đi giá đỡ cân bằng khiến chân không thể cử động và hoàn toàn mất đi cảm giác từ phần bụng trở xuống. Anh không kiểm soát được việc đi vệ sinh, mọi thứ như quay lại thời sơ sinh, phải cần mẹ và chị gái chăm sóc. 6 tháng đó Kiệt chờ đợi phép màu.

"Có những đêm bị sốt cao, mình lịm đi. Không hiểu sao như có ai đó kéo mình lại. Mình chỉ ước được chết đi cho đỡ khổ" - Kiệt nhắc lại.

Chị Lê Thị Hà - Phó Chủ tịch CLB Chấn thương cột sống Việt Nam cho biết CLB có 1.800 thành viên, hầu hết là người bị tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông. "Họ không bị từ nhỏ nên họ sẽ bị cú sốc tâm lý rất lớn" - chị Hà cũng là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông, chia sẻ.

Từ người khỏe mạnh bỗng phải ngồi xe lăn, rồi vệ sinh không tự chủ, những vết loét...khiến họ càng tự ti khi phải cần sự trợ giúp của người khác. "Không phải vấn đề nào cũng có thể chia sẻ được với người thân, chỉ khi gặp những người đồng cảnh, được tâm sự, học hỏi kinh nghiệm họ mới dần cởi mở và có thêm kiến thức để chăm sóc bản thân tốt hơn" - chị Lê Thị Hà nói.

Chuyển nhà để tham gia sinh hoạt Hội

Vài năm sau, một người đàn ông chống nạng, gõ cửa nhà anh Kiệt. Đó là ông Hùng – người thành lập Hội người khuyết tật Hà Nội. Ông cũng từng công tác ở ngân hàng, nghỉ hưu và hoạt động Hội. “Cháu tham gia Hội người khuyết tật đi, cháu sẽ có những người bạn đồng cảnh”- ông nói nhẹ nhàng mà thấm thía. Kiệt hơi miễn cưỡng nghe theo.

"Gia đình tôi bán căn nhà tập thể ở tầng 3 để mua nhà mặt đất trong ngõ cho tôi tiện đi lại" - Kiệt nói về quyết định đó. Anh làm đơn xin quay trở lại ngân hàng, họ đã từ chối. "Nhiều lý do để họ không nhận mình nhưng bạn thấy đấy có ngân hàng nào có đường dốc cho xe lăn đi lên không?" - Kiệt hỏi lại phóng viên.

Từ đó Kiệt tham gia sinh hoạt ở Hội người khuyết tật Hà Nội. Bằng kiến thức kinh nghiệm làm việc, Kiệt cùng bạn lập Trung tâm đào tạo nghề tin học cho các bạn khuyết tật. Khi Trung tâm tan rã, Kiệt tham gia CLB chấn thương cột sống Khát vọng ở Hà Nội và làm Phó Chủ nhiệm. Khát vọng sống luôn đi liền với cống hiến. Kiệt cùng các thành viên tổ chức các chương trình giúp đỡ bạn đồng tật, đi tặng quà ở các vùng khó khăn…

"Mình tập vui và chấp nhận cái chân liệt của mình. Hạnh phúc vì nó " - Kiệt của 17 năm sau đã kể về đôi chân như vậy.

Tham gia các hoạt động, Kiệt đã gặp được người con gái khiến anh rung động trở lại. Từng nghĩ sẽ chẳng ai yêu một người đàn ông ngồi xe lăn, rằng mình sẽ làm khổ họ, thế nhưng Kiệt đã mạnh mẽ nói lời yêu và cầu hôn. 6 năm trong mái ấm nhỏ, họ bên nhau những ngày vui vẻ, những ngày anh trở bệnh và cả ngày bình thường. Giờ đây anh chị chỉ mong có con để tổ ấm thêm trọn vẹn.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và anh Phạm Tuấn Kiệt tại đây: