Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được thảo luận tại Quốc hội, có đề xuất bỏ án tử hình đối với một số tội, trong đó có tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, việc quy định như vậy là thể hiện sự tiếp cận nhân đạo, phù hợp với xu hướng quốc tế. Tuy nhiên trong bối cảnh tình hình tội phạm ma túy ở nước ta hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp, mang tính xuyên quốc gia và ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn mới thì liệu bỏ hình phạt tử hình có bảo đảm sức răn đe, thực hiện hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy với mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm hệ lụy về ma túy?

Khi thảo luận ở Quốc hội về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cũng phân tích, theo báo cáo của Bộ Công an và thực tiễn cho thấy, rất nhiều người tham gia vận chuyển là dân nghèo vùng sâu, vùng xa, hoặc học sinh, sinh viên, người thiếu hiểu biết. Khi phải ra quyết định tử hình họ, các cơ quan tố tụng "rất trăn trở". Vậy nên, các cơ quan đã đề xuất bỏ hình phạt tử hình ở tội này là "hợp lý, nhân đạo".

Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, Đại tá Phạm Văn Chình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an cho rằng, có lẽ nhiều người sẽ lo ngại rằng việc xóa bỏ hình phạt tử hình sẽ làm giảm tính răn đe, gia tăng tội phạm với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, chủ trương thu hẹp phạm vi áp dụng án tử hình không chỉ phản ánh sự phù hợp với bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong nước mà còn phù hợp với xu thế phát triển lịch sử của nhân loại.

PV: Thưa Đại tá Phạm Văn Chình, trước hết với góc độ của một người từng trực tiếp tham gia phá nhiều vụ án trọng điểm về ma túy và lại từng làm quản lý trong cơ quan về đấu tranh với tội phạm ma túy, ông phân tích và nhận diện như thế nào về tội phạm ma túy những năm gần đây?

Đại tá Phạm Văn Chình: Như chúng ta đã biết trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy trên thế giới cũng như trong nước luôn gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, Việt Nam ở gần khu vực tam giác vàng là địa điểm phức tạp, trung tâm sản xuất ma tuý lớn của thế giới. Ma túy vào Việt Nam cũng chủ yếu là từ khu vực tam giác vàng, thành điểm trung chuyển sử dụng và vận chuyển đi các nước thứ ba bằng đường sông, đường biển, đường bộ, đường không cho nên cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy của nước ta còn rất khó khăn vất vả. Thứ hai, người sử dụng ma túy ở Việt Nam luôn gia tăng. Theo báo cáo thì mỗi năm gia tăng người sử dụng ma túy khoảng 15-20%, (Hiện nay nước ta có gần 300.000 người sử dụng ma túy). Đây là một nguồn cầu về ma túy rất lớn và nếu mỗi người bình quân một ngày dụng 1 tép hoặc 0,01 gam thì đây là một số lượng rất lớn. Thứ ba sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật công nghệ số đã tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm ma túy hoạt động, nhất là trong khâu sản xuất mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Những năm qua, các lực lượng chức năng đã tích cực đấu tranh bắt giữ được những vụ sản xuất ma túy ở Việt Nam rất lớn như ở Kon Tum, Khánh Hòa, thu hàng tấn ma túy tổng hợp và nhiều phương tiện máy móc sản xuất ma túy.

PV: Phải khẳng định cuộc chiến phòng chống ma tuý ở nước ta chưa bao giờ hết cam go. Thực tế, trong thời gian qua, với sự quyết liệt của lực lượng chức năng, nhiều đường dây ma túy quy mô lớn đã bị triệt phá. Tuy nhiên trong cuộc chiến ấy cũng đã cướp đi nhiều người con ưu tú khi họ đang ở độ tuổi đẹp nhất, với bao ước mơ và nhiệt huyết cống hiến. Mới đây sự hy sinh của Liệt sĩ, Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh, trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ bình yên, hạnh phúc cho nhân dân đã để lại nhiều tiếc thương cho gia đình và đồng đội. có lẽ Đại tá Phạm Văn Chình là người hiểu rõ nhất những mất mát, hy sinh này?

Đại tá Phạm Văn Chình: Trong năm vừa qua do tính chất phức tạp của tội phạm ma túy, vì lợi nhuận rất cao, án nặng nên khi bị bắt thì chống trả quyết liệt lại lực lượng chức năng nhằm tẩu thoát, tiêu hủy chứng cứ. Theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), từ năm 1997 đến nay, đã có 29 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an, quân đội và người dân hy sinh trong cuộc chiến chống “cái chết trắng”, trong đó có 23 cán bộ công an. Hơn 700 chiến sĩ khác bị thương, phơi nhiễm HIV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong thời binh mà để hy sinh như thế này là nỗi trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như lãnh đạo Bộ Công an. Nhưng chúng tôi luôn xác định dù khó khăn gian khổ đến đâu thì cũng phải cố gắng và không thể làm chùn bước được các lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Chúng tôi luôn cố gắng rèn luyện và quyết tâm chiến đấu tốt hơn để hạn chế thương vong và với mục tiêu vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

PV: Trước những hy sinh mất mất to lớn như vậy cũng như tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, xuyên quốc gia nên việc Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có đề xuất bỏ án tử hình đối với một số tội, trong đó có tội vận chuyển trái phép chất ma túy đã nhận được các ý kiến trái chiều. Thưa Đại tá Phạm Văn Chình, quan điểm của ông như thế nào với đề xuất này?

Đại tá Phạm Văn Chình: Thời gian vừa qua tôi nghe được rất nhiều thông tin rồi nội dung phỏng vấn của các chuyên gia các nhà làm luật về quy định bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội, trong đó có tội vận chuyển trái phép ma túy. Có ý kiến ủng hộ nhưng cũng nhiều ý kiến phản đối. Nhưng theo tôi là một người đấu tranh với tội phạm ma túy lâu năm và cũng là người đã từng tham gia xây dựng Luật phòng, chống ma túy, tôi thấy quan điểm bỏ án tử hình với tội này là hoàn toàn có cơ sở, là đúng là phù hợp với luật pháp Việt Nam và xu thế của thế giới tiến tới giảm bỏ án tử hình với các lý do như sau. Thứ nhất, người vận chuyển ma túy có hai tính chất khác hẳn nhau cần phải phân biệt rõ vận chuyển như thế nào thì tử hình và vận chuyển như thế nào không tử hình. Người vận chuyển trái phép chất ma túy chủ yếu là người nghèo, người lạc hậu, người bị mua chuộc lôi kéo rủ rê không phải là đối tượng chủ mưu cầm đầu và được hưởng lợi rất ít. Ví dụ, mỗi bánh hê rô in các đối tượng mua bán ma túy hưởng lợi từ 50.000.000 đồng trở lên nhưng người vận chuyển thì chỉ được hưởng từ 5 triệu đến 7 triệu đồng 1 bánh. Chủ yếu là người nghèo vận chuyển một vài chuyến để lấy tiền chi tiêu trong cuộc sống gia đình. Vậy chúng ta cần hiểu có hai cái tính chất khác nhau trong tội vận chuyển ma tuý. Một là vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất mua bán tàng trữ, tức là người vận chuyển ma túy không biết được người mua người bán thì khởi tố họ về tội vận chuyển trái phép chất ma túy và phải chịu khung hình phạt tử hình. Những người này chủ yếu là người nghèo, không phải chủ mưu cầm đầu và phạm tội lần đầu hoặc là hưởng lợi rất ít. Vì vậy nếu tử hình họ theo luật thì bao lâu nay khiến chung tôi rất trăn trở. Hai là người vận chuyển trái phép chất ma túy, nhưng biết được mục đích vận chuyển ma túy để sản xuất mua bán, tàng trữ có nghĩa là biết được người mua, người bán. Nhưng khi khởi tố về tội đồng phạm mua bán trái phép ma túy vì họ không phải là chủ mưu, cầm đầu trong đường dây này nên họ không bị tử hình. Người này sẽ mắc tội nặng hơn người người bị lôi kéo để vận chuyển ma tuý nhưng họ sẽ không bị án tử hình. Thực tế trong những năm qua, quá trình điều tra, truy tố, xét xử những người vận chuyển ma túy mà không biết người mua, người bán (theo Luật khởi tố xét xử với tội vận chuyển trái phép ma túy trên 100 gam hê rô in thì áp dụng khung phạt tử hình) thì theo tôi thấy rất là nặng nề.

PV: Hiện Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được kỳ họp thứ 9 QH khóa 15 thảo luận. Rất nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, nên cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Có đại biểu cho rằng, hiện nay đang duy trì án phạt tử hình, mà số lượng các vụ án vận chuyển ngày càng gia tăng lên tới hàng trăm bánh, hàng tạ, hàng tấn, nếu bỏ tội này thì không khéo Việt Nam chúng ta trở thành điểm trung chuyển ma túy đi nước ngoài. Nhưng lo ngại này của ĐBQH có lẽ cũng rất dễ xảy ra, thưa Đại tá Phạm Văn Chình?

Đại tá Phạm Văn Chình: Tôi rất hiểu băn khoăn của đại biểu Quốc hội và nhân dân nhưng đấu tranh phòng chống túy ta còn rất nhiều tội. Riêng về khía cạnh vận chuyển như tôi đã phân tích thì không nên tử hình người mà bị mua chuộc, bị lôi kéo, người nghèo. Tôi nghĩ án chung thân cũng đã rất nghiêm khắc đối với tội phạm rồi. Chúng tôi điều tra là phải bắt được người chủ mưu cầm đầu để xử lý và làm được thế thì mới làm giảm tội phạm ma túy.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!