Sáng 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Những nội dung thay đổi trong dự án luật lần này không chỉ đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn thể hiện rõ định hướng nhân đạo, hiện đại hóa tư pháp hình sự trong thời kỳ hội nhập.
Dự thảo đề xuất bỏ tử hình ở 8/18 tội danh hiện còn khung hình phạt cao nhất là tử hình, đồng thời bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án để thay thế - bảo đảm yếu tố cách ly và răn đe. Ngoài ra, người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối hoặc AIDS giai đoạn cuối sẽ không bị thi hành án tử hình.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cho thấy còn ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng cần cân nhắc kỹ, đặc biệt, với các tội tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy, việc duy trì án tử hình vẫn được xem là có tính răn đe cao.
Dự thảo cũng đề xuất tăng mức hình phạt tù và tiền với nhiều tội danh như: sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh; các tội liên quan đến môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt là ma túy - lĩnh vực được xác định có tính phức tạp và liên hệ chặt với các loại tội phạm khác.
Bổ sung tội “sử dụng trái phép chất ma túy” vào Bộ Luật hình sự (sửa đổi) cũng là điểm mới đáng chú ý nhưng cũng gây nhiều tranh luận. Chính phủ đề xuất đưa trở lại tội danh này để tăng tính răn đe, góp phần giảm cầu ma túy - yếu tố quyết định giúp chặn mối quan hệ cung-cầu.

Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp không tán thành. Các đại biểu cho rằng người sử dụng ma túy được xem là bệnh nhân, cần điều trị chứ không hình sự hóa. Cách tiếp cận nhân đạo này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và các công ước mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan như Luật Đặc xá, Thi hành án hình sự, Phòng chống mua bán người, Công an nhân dân để đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy và thống nhất hệ thống pháp luật.
Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội đều thống nhất: Việc sửa đổi lần này nhằm bảo đảm tính răn đe và hiệu quả trong xử lý tội phạm nhưng không xa rời nguyên tắc nhân đạo, quyền con người, quyền công dân.
Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc hoàn thiện chính sách hình sự - đặc biệt là xử lý hình phạt tử hình và các tội danh có nguy cơ cao - cần được thực hiện thận trọng, bài bản, phù hợp cả về pháp lý lẫn thực tiễn thi hành.

Sau hơn 8 năm thi hành, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, trong đó có các quy định về hình phạt tử hình, tội danh chưa phù hợp thực tiễn, mức xử lý chưa đủ sức răn đe với tội phạm đang diễn biến phức tạp như ma túy, môi trường, hàng giả, an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, yêu cầu của Bộ Chính trị về hoàn thiện chính sách hình sự vừa nhân đạo, khoan dung với người phạm tội, vừa nghiêm khắc với những hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng là cơ sở chính trị để Chính phủ kiến nghị sửa đổi. Dự luật được xây dựng theo trình tự rút gọn, dự kiến thông qua ngay tại kỳ họp lần này.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nếu được thông qua tại kỳ họp này, sẽ tạo ra một bước tiến mới trong hoàn thiện hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và hội nhập quốc tế hiệu quả hơn.