Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy và thay vào đó là phương thức quản lý hoàn toàn mới trên môi trường số, điện tử không chỉ có ý nghĩa trong cải cách hành chính phục vụ người dân mà sẽ làm thay đổi cả tư duy, nhận thức của lãnh đạo, hệ thống quản lý, chính quyền, cán bộ các cấp trong quản lý hành chính.

Tuy nhiên trên thực tế như trong các bài viết trước, chúng tôi đã phản ảnh sau gần 2 tháng thực thi, vẫn còn không ít câu chuyện “dở khóc dở cười”, bi hài khi người dân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền. Thậm chí có trường hợp, người dân muốn hủy đăng ký kết hôn luôn chỉ vì những yêu cầu về giấy tờ quá rườm rà, phức tạp còn hơn cả khi sử dụng sổ hộ khẩu giấy như trước…

Và còn muôn kiểu “hành dân” khác gây bức xúc cho người dân khi sổ hộ khẩu giấy chính thức khai tử….

Trao đổi với phóng viên VOV2, Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an khẳng định: Về cơ bản việc triển khai thực hiện phương thức thay thế sổ hộ khẩu giấy bằng việc quản lý dân cư trên môi trường số đã được hướng dẫn rất cụ thể tại Nghị định 104/2022 về sửa đổi các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Đến nay đã có 60/63 địa phương kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ hiệu quả việc khai thác, chia sẻ thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính của người dân. (Chỉ còn lại 3 tỉnh là Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn đang hoàn thiện kết nối).

Đối với một số thủ tục liên quan đến đất đai hoặc đăng ký kết hôn, bắt buộc phải có thông tin chính xác về nơi thường trú tính đến thời điểm hiện tại, cán bộ tiếp dân có thể sử dụng 1 trong 7 phương thức mà Bộ Công an đã hướng dẫn trong Nghị định 104. "Cán bộ ở bộ phận một cửa có thể khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua tài khoản dịch vụ công của người dân hoặc tài khoản của chính cán bộ, sử dụng ứng dụng VneID…Vì thế, không nhất thiết phải yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú. Hiện tại cổng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cơ bản cơ sở dữ liệu đang đáp ứng tốt, không có trục trặc gì đáng kể.

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, thông tin thêm, trường hợp không có hệ thống đọc chip, cán bộ tiếp dân vẫn có thể lấy dữ liệu trên mặt thẻ căn cước công dân để khai thác thông tin của công dân.

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng chia sẻ, sau 2 tháng triển khai, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đã nhận được khá nhiều phản ánh liên quan về việc thực hiện tại các bộ phận một cửa ở cở sở, hài lòng cũng có mà thể hiện nỗi bức xúc cũng nhiều. Ngoài ra qua các đoàn công tác kiểm tra của Bộ Công an cũng cho thấy nhiều đơn vị có thẩm quyền, chức năng tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng không thực hiện mà vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch. Việc này gây khó khăn, phiền hà, bức xúc trong dư luận xã hội, vi phạm pháp luật, cản trở công cuộc cải cách thủ tục hành chính.

“Trong trường hợp cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính dù có đủ điều kiện nhưng không sử dụng các phương thức khác để xác nhận, chứng minh nơi cư trú mà vẫn yêu công dân phải xin giấy xác nhận cư trú là đang làm sai quy định theo hướng dẫn tại Nghị định 104, có thể xem là "hành dân", gây khó dễ, làm chậm, quá trình cải cách thủ tục hành chính”, Thiếu tá Hoàng Văn Dũng khẳng định.

Nói về nguyên nhân của những bất cập này, Thiếu tá Hoàng Văn Dũng cho rằng, một phần là do "nhận thức chưa đầy đủ" của cán bộ, vẫn làm việc theo thói quen truyền thống trước đây. Một số Bộ, ngành chưa thực hiện hướng dẫn ngành dọc và công bố thủ tục hành chính để bộ phận một cửa các cấp thực hiện, nên vẫn yêu cầu cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Để xử lý những bất cập này, ngay lập tức Bộ Công an đã có một văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ và tổ công tác triển khai Đề án 06 về ứng dụng dữ liệu dân cư và định danh xác thực điện tử từng cấp, phải quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung, quán triệt 100% cán bộ tiếp dân phải thực hiện các phương thức khai thác thông tin về công dân trong cơ sở quốc gia dân cư (theo quy định tại Điều 14 của Nghị định 104). Khi thực hiện tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công thì tuyệt đối không được yêu cầu người dân xuất trình các giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú. Đối với các địa phương chưa hoàn thiện việc kết nối thì có thể sử dụng ứng dụng VneID, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử hoặc tra cứu khai thác thông tin trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và rất nhiều giấy tờ khác…Trong trường hợp chưa xác thực được thông tin thì phương thức cuối cùng mới sử dụng đến giấy xác nhận cư trú.

Đặc biệt, Bộ Công an cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan, tổ chức tuyên truyền đến toàn bộ người dân, dán tài liệu tuyên truyền và niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa để công dân đến có thể biết thủ tục nào thì cần xuất trình giấy xác nhận cư trú và thủ tục nào không cần.

“Người dân khi đến bộ phận một cửa bị yêu cầu phải chứng minh thông tin về nơi thường trú thì có quyền yêu cầu ngược lại cơ quan có thẩm quyền khai thác thông tin của mình trong cơ sở quốc gia dân cư”, Thiếu tá Dũng lưu ý.

Bộ Công an cũng thiết đặt các đường dây nóng của Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và có thể là xử lý kỷ luật đối với các cán bộ có hành vi cố tình thực hiện không đúng quy định, mang tính “hành dân”, gây mất niềm tin vào chủ trương, chính sách.

Để chủ động trong việc thực hiện cập nhật dữ liệu, kết nối thông tin và kết nối các dịch vụ hành chính công đảm bảo liên thông, thông suốt, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, vừa qua, Bộ Công an đã xây dựng và ban hành Thông tư số 46/2022 quy định về việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa cơ sở dữ liệu dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác (có hiệu lực thi hành từ ngày 19/12/2022).

Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai số hóa dữ liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của người dân thay cho yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng về hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn; phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ứng dụng giải quyết các thủ tục hành chính với mục tiêu “sử dụng thông tin về cư trú của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính”.

Thượng tá Hoàng Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư có một số lưu ý với người dân

Từ 01/01/2023, sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng, cơ quan có thẩm quyền thực hiện khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân. Do vậy, để đảm bảo yêu cầu về dữ liệu thông tin về cư trú trong quá trình sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu hồi hoặc hết hiệu lực từ 01/01, người dân cần lưu ý như sau:

- Kiểm tra dữ liệu thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo đầy đủ, chính xác.

- Khi có sự thay đổi thông tin về căn cước công dân và cư trú của mình, đề nghị người dân thực hiện ngay việc yêu cầu cơ quan Công an (Công an cấp xã) điều chỉnh, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu dân cư đảm bảo thống nhất, chính xác, kịp thời.

- Làm CCCD đối với người chưa làm CCCD khi đủ điều kiện làm CCCD theo quy định pháp luật.