Ngày 23/10, báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.

Tuy nhiên số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%.

“Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá.

Đối với công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, số vụ phát hiện, xử lý giảm 4,92%; đã điều tra, xử lý nghiêm hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần tích cực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông ngày một phức tạp. Số vụ khởi tố mới tăng gần 88,82%. Hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch tài chính trái phép, lừa đảo, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng, đánh bạc, đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng, nhất là liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, tình hình cháy, nổ, tai nạn giao thông được kiềm chế, số vụ cháy giảm 22,2%, tai nạn giao thông giảm sâu trên cả 3 tiêu chí 22,07% số vụ, 14,86% số người chết; gần 26,99% số người bị thương.

Trong thời gian qua, Bộ Công an cũng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam, nhất là trong thời điểm phòng, chống Covid-19.

Tích cực triển khai các quy định của Luật Cư trú (sửa đổi) và thực hiện xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân; nhất là ứng dụng phục vụ công tác quản lý dân cư vùng dịch và hỗ trợ thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, mặc dù tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: hiếp dâm trẻ em 637 vụ (tăng 9,26%); lừa đảo chiếm đoạt tài sản 2.362 vụ (tăng 4,19%), gây rối trật tự công cộng 469 vụ tăng 18,73%.

Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với 548 vụ, tăng 20,18% và diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch và lực lượng Công an.

Đặc biệt vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi, phổ biến là các hành vi không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đánh giá, dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần có quy định của pháp luật về vấn đề này.

Liên quan đến công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, mặc dù công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế.

“Đặc biệt vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều địa phương nhưng chủ yếu là xử lý hành chính. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng và xảy ra ở nhiều lĩnh vực, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái nhất là trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 được phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế”, Bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.