Từ năm 2003 đến nay, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã cùng với ngành Y tế đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) cho hơn 13,5 triệu lượt người với tổng chi khoảng 3.400 tỷ đồng. Nếu như năm 2003 chỉ có trên 8.460 lượt người KCB với số chi hơn 218 tỷ đồng thì năm 2020 đã có trên 563.200 lượt người KCB với số chi gần 978 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, đã có gần 461.000 lượt KCB BHYT với tổng chi khoảng 262 tỷ đồng, bằng 51% dự toán chi KCB BHYT năm 2021 của tỉnh Lạng Sơn. Nhiều người mắc bệnh trọng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng do được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí nên đã kéo dài được sự sống.

Hơn 2 năm nay, cô Phùng Thị Hậu 66 tuổi ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn gắn bó với bệnh viện vì căn bệnh thận quái ác. Mỗi tháng vài lần, cô Hậu lại đến bệnh viện đa khoa tỉnh để chạy thận. Cô kể: Năm 1992, cô về nghỉ theo chế độ 176. Nhận chế độ 1 lần, về địa phương, không ruộng vườn, cô phải chạy chợ kiếm tiền để nuôi gia đình. Dựng vợ gả chồng cho các con xong, cũng là lúc sức khỏe suy sụp rồi bệnh tật ập đến. Rất may, nhờ có thẻ BHYT, cuộc sống của cô mới đỡ cơ cực.

Cũng giống như cô Hậu, đã 4 năm nay, chị Lý Thị Giao dân tộc Tày ở xã Văn Lãng, huyện Tân Thanh lấy bệnh viện là nhà. Bị suy thận nặng, cứ 1 tuần thì có 3 lần chị Giao phải đến bệnh viện. Do chị Giao được Nhà nước cấp thẻ BHYT hộ nghèo nên mọi chi phí liên quan đến KCB của chị và gia đình đều được quỹ BHYT chi trả.

Không mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị tốn kém như chị Giao và cô Hậu, ông Hoàng Thanh Thư 66 tuổi - cán bộ hưu trí ở thành phố Lạng Sơn lại mắc nhiều bệnh tuổi già như: huyết áp, tiểu đường…. Cứ vài ba tuần, ông lại đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và lấy thuốc để điều trị. Với ông, tấm thẻ BHYT thực sự có ích với bản thân và những người khác.

Tính đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có hơn 80% người dân có thẻ BHYT. Dù chưa phải là tất cả nhưng với không ít người, thẻ BHYT được ví như lá bùa hộ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao giá trị cuộc sống.