Việc xây dựng các nhà máy điện rác đã được Hà Nội chú trọng kêu gọi đầu tư từ …20 năm trước. Nhưng do công nghệ thay đổi từng ngày, do chính sách đầu tư còn nhiều bất cập, nên Hà Nội vẫn chỉ thu gom và chôn lấp rác. Điều này dẫn đến việc quá tải các bãi chôn lấp ở Xuân Sơn, Nam Sơn, người dân sống xung quanh các khu chôn lấp này mỗi năm lại cản xe chở rác vài lần vì quá ô nhiễm.

Bà Cao Thị Hào, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn, Sơn Tây Hà Nội cho biết, từ nhiều năm nay, rác đã thành nỗi ám ảnh, nhức nhối cho người dân. “Hiện nay trên địa bàn là quá tải, nhất là khói và nước thải, chúng tôi cũng mong các đơn vị chức năng sớm có giải pháp cho vấn đề môi trường”, bà Hào đề đạt.

Người dân sinh sống ở khu vực các khu liên hợp chất thải Xuân Sơn và Nam Sơn thì luôn mong muốn sớm có những hướng giải quyết thay cho phương pháp chôn lấp như hiện nay, bởi họ đã quá khổ vì ô nhiễm rác thải.

Sau nhiều lần “lỗi hẹn tiến độ”, sau nhiều tháng chờ đợi “nghiệm thu” từ các cấp, các ngành, đến cuối năm 2023, nhà máy điện rác Sóc Sơn do Công ty CP Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội (Công ty Thiên Ý) làm chủ đầu tư đã chính thức đốt rác, biến thành điện, hòa vào lưới điện quốc gia. Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Nhà máy điện rác Sóc Sơn, sự vận hành của nhà máy đã đáp ứng phần nào việc xử lý rác “đúng cách” cho Hà Nội.

“Sau khi chạy giai đoạn 1, 2, nhà máy hiện đang đốt 4.000 tấn rác cho Hà Nội, đạt xấp xỉ 50%, tiến tới nếu chạy đủ lò đốt 5 chúng tôi sẽ thu nhận 5.000 tấn rác cho Hà Nội mỗi ngày, phần nào xử lý bài toán ùn ứ rác”, ông Dũng khẳng định.

Công nghệ đốt rác lấy điện của nhà máy điện rác Sóc Sơn hiện nay xuất phát từ Bỉ, một quốc gia Châu Âu có công nghệ tiên tiến, theo ông Tạ Văn Thắng, cán bộ kỹ thuật, công nghệ này đảm bảo đốt hết và không tạo khí gây hại ra môi trường.

“Hàng ngày chúng tôi sẽ lấy rác vào các bể, mỗi ngày khoảng 2.500-3.000 tấn, sấy nhiệt độ cao, nước thải xử lý riêng, còn rác khô đem đốt…cứ hết một vòng như thế lại đưa rác mới vào”, ông Thắng phân tích.

Ông Đỗ Đức Thành, Trưởng phòng kiểm soát, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng đánh giá cao năng lực của nhà máy điện rác Sóc Sơn, nhưng cũng đề xuất thêm việc lắp các trạm quan trắc tự động để gửi những thông số về môi trường về cơ quan chức năng.

Mặc dù đã đi vào hoạt động và hòa vào lưới điện quốc gia, nhưng Ban giám đốc nhà máy điện rác Sóc Sơn vẫn mong muốn sớm đưa vào vận hành giai đoạn tiếp theo, bởi với công suất hiện nay, việc xử lý đốt rác cho Hà Nội vẫn chỉ đáp ứng một phần nhỏ.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của TP. Hà Nội và các ban ngành, góp sức cùng thành phố xử lý ùn ứ rác thải”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội (Công ty Thiên Ý) bày tỏ.

Nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về xử lý rác thải sinh hoạt của Thủ đô, Hà Nội đã phê duyệt dự án Nhà máy điện rác thứ 2 có tên gọi Seraphin tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Dự án này đang tăng tốc thực hiện những công đoạn cuối cùng nhằm đảm bảo vận hành đúng tiến độ. Tháng 1 vừa qua, nhà máy điện rác Seraphin đã sấy lò đốt thành công, đánh dấu dự án chuyển từ giai đoạn thi công, lắp đặt sang giai đoạn vận hành hiệu chỉnh. Ông Tô Văn Nhật , Phó Chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn Ammacao cho biết, khi hoàn thành nếu ai đến thăm nhà máy sẽ cảm giác như đi vào resort, không mùi không khói và rất sạch đẹp… "Đấy là bức tranh khi nhà máy hoàn thành…công nghệ Amacao áp dụng cũng là những công nghệ tiên tiến nhất của Âu- Mỹ'', ông Nhật nói.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng hy vọng, nhà máy điện rác thứ 2 của thành phố- Seraphin- sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm vệ sinh môi trường. “Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào loại hình này cho Hà Nội”, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội mong muốn.

Bức tranh về điện rác của Hà Nội đang dần hình thành, đã góp phần giải bài toán về ùn ứ rác, quá tải bãi đổ thải và ô nhiễm môi trường cho Hà Nội. Tuy nhiên ngay cả khi 2 nhà máy điện rác Sóc Sơn và Seraphin có hoạt động hết công suất, thì cũng mới chỉ đốt 70-80% lượng rác thải mỗi ngày của Hà Nội, bên cạnh đó sự phân bố về nhà máy xử lý rác và các bãi chôn lấp chưa đồng bộ khiến vùng phía Nam Hà Nội vẫn ngập rác. Vì vậy Hà Nội vẫn rất cần các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn nữa tới công nghệ xử lý rác hợp vệ sinh và có tính bao phủ trên địa bàn thành phố.

Nghe phóng sự tại đây:

Vấn đề ô nhiễm môi trường đặc biệt là rác thải sinh hoạt đang gây bức xúc trong xã hội. Nhiều bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, thậm chí các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ lạc hậu cũng đang gây ô nhiễm nghiêm trọng do nước rỉ rác, côn trùng, mùi với bán kính lan rộng lên hàng km. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến hiện vẫn gặp phải không ít bất cập tại nhiều địa phương

Việc xử lý rác thải sinh hoạt trở thành vấn đề cấp bách, liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý rác thải môi trường bằng công nghệ hiện đại như đốt rác phát điện cần được ưu tiên, khuyến khích.

Tuy nhiên, các nhà máy điện rác, quá trình thẩm định, nghiệm thu phải trải qua nhiều thủ tục và quy định, đặt ra thách thức rất lớn về tiến độ cho chủ đầu tư. Nguyên nhân do nhà máy điện rác là dự án đặc thù, có nhiều yếu tố kỹ thuật tiên tiến, liên quan đến cả việc phát điện và xử lý rác thải bảo vệ môi trường.

Xây dựng nhà máy điện rác rất phức tạp, khó hơn nhiều so với các loại hình nhà máy điện khác vì ngoài công nghệ cao, yêu cầu vốn đầu tư lớn, còn có cả yếu tố môi trường, liên quan đến nhiều sở ban ngành. Rất nhiều dự án đã thất bại. Hơn nữa, đây còn là loại hình công nghệ đặc thù lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư nên doanh nghiệp vừa làm vừa gỡ về thủ tục.