“Cà phê phố đường tàu” từ đường Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng mặc dù chỉ dài vài trăm mét nhưng mọc lên hàng chục quán và trở thành điểm đến của các bạn trẻ và du khách nước ngoài. Thú vui của họ khi đến quán là ngồi sát ngay đường ray, đứng, nằm trên đường ray rồi ngồi “tán gẫu” chờ tàu qua để trải nghiệm cảm giác “thử thách tử thần” chính là một trong những lý do mà các cà phê đường tàu thu hút rất đông du khách mỗi ngày.
Vỉa hè để hành khách ngồi uống cà phê chỉ cách đoạn đường ray khoảng một mét tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, thế nhưng nhiều người tỏ ra không sợ và muốn trải nghiệm.
Một số du khách cho biết, hiện Hà Nội đang thiếu các điểm du lịch mới lạ, độc đáo. Do đó việc có một điểm thu hút khách đến không chỉ uống cà phê mà còn tìm hiểu về cuộc sống của người Hà Nội, nét độc đáo của tuyến đường sắt đi xuyên qua thành phố. Thay vì đề xuất dẹp thì Hà Nội nên chấp nhận cà phê đường tàu là một trải nghiệm du lịch và tạo được việc làm và thu nhập cho người dân. Thế nhưng, cũng có người cho rằng đây là hình thức trải nghiệm nguy hiểm, cần được quản lý chặt để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Một số người biện hộ, cùng bạn bè đến để chụp ảnh vì không gian rất cổ kính, có nhiều bức ảnh rất cảm xúc nên thích hoặc là đến đây từ lúc cà phê đường tàu chưa bị cấm. Hiện tại bị cấm cũng có lý vì mọi người đi lại trên tuyến đường sắt gần lúc tàu hỏa đi ngang qua.
“Tôi cũng mong Hà Nội có thêm các điểm du lịch mới để đảm bảo an toàn cho người dân và thu hút du lịch của Việt Nam” - nhiều du khách bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, một người dân kinh doanh tại khu phố đường tàu cho biết nếu cấm bán hàng ở đây thì họ lại phải đi làm thuê, lên chợ Long Biên khuân vác hoa quả, chứ không có công ăn việc làm gì cả.
“Chúng tôi ở đây đã 3 thế hệ rồi mà không có vụ tai nạn nào ở đây cả. Ở đây từ thứ hai- thứ sáu không có tàu chạy sáng thì sao lại cấm chúng tôi đi lại? Trong đó 3 phường thì phường Hàng Bông cấm mà phường Cửa Đông, Điện Biên lại mở cho đi bình thường, dân chúng tôi không được đi, người nhà, bạn bè cũng không cho vào. Chúng tôi có nguyện vọng là từ thứ hai-thứ sáu không có tàu chạy thì mở cửa cho chúng tôi để mưu sinh cuộc sống, chúng tôi ở đây rất nghèo, không có ai là khá giả cả”- bà Nguyệt biện minh cho việc bán hàng trở lại của mình.
Trước đó, nhiều giải pháp của người dân phố đường tàu đã được đề xuất để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như an ninh đường sắt như: Tự dựng barie trước khu vực cửa nhà để ngăn không cho hành khách bước ra khu vực đường ray, lắp camera giám sát để biết trước mỗi khi có tàu đến nhằm cảnh báo cho người dân và du khách du lịch… Bên cạnh đó, phương án thực hiện di dời, tái định cư các hộ sinh sống, kinh doanh trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Đường sắt và ổn định đời sống, cũng như hoạt động kinh doanh lâu dài cho người dân cũng được các cơ quan chức năng đưa ra. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện do nhiều vướng mắc còn kéo dài.
Ông Đinh Bá Hưng, Phó chủ tịch UBND phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, Phường đã lập 1 biên bản vi phạm và xử phạt cơ sở này 7,5 triệu đồng. Có thời điểm lượng khách du lịch đông, chen lấn lực lượng chức năng, dẫn đến việc có những cán bộ trật tự bị ngã, rất nguy hiểm.
“Thời gian tới các lực lượng của chúng tôi vẫn chốt trực và đoan kiểm tra liên ngành của phường sẽ thường xuyên kiểm tra để yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện không kinh doanh, bán hàng và đưa khách vào, đi lại trong khu vực đường tàu”- ông Hưng khẳng định.
Loại hình cà phê phố đường tàu đã bị cấm từ lâu. Thế nhưng thời điểm sau Tết Nguyên đán, thời điểm đông khách du lịch, lợi dụng sự lơ là của lực lượng chức năng, các hộ kinh doanh đã dẫn du khách vào quán cà phê của họ bằng các ngõ ngách thông nhau gây khó khăn cho công tác quản lý của lực lượng chức năng. UBND và lực lượng Công an phường Hàng Bông đã cắt cử lực lượng thành 3 ca gồm 3 người, ứng trực tại các lối vào của phố đường tàu để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Để cho du khách ngồi cạnh đường ray để uống nước, mua bán, chụp ảnh… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm cho cả du khách và làm mất an toàn cho ngành đường sắt.