Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, rất nhiều đại biểu, các chuyên gia lao động cả trong nước và quốc tế đã góp ý thẳng thắng trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về thị trường lao động; chia sẻ những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo TS. Bùi Sĩ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội, một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực lao động, việc làm, thị trường lao động Việt Nam còn những hạn chế, chưa bắt kịp chuẩn mực nền kinh tế thị trường linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả. Việc này thể hiện ở chỗ thị trường phát triển chưa đồng bộ, chính sách chưa hoàn thiện, chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm theo hướng bền vững.

Thị trường có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực và ngành, nghề. dẫn đến mất cân đối về cung - cầu lao động. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã làm cho thị trường lao động bị đứt gãy do giãn cách xã hội, lao động trở về quê khiến quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ. Quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường lao động chưa hiện đại.

Ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, cần phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả để thị trường lao động được vận hành đồng bộ với các thị trường vốn, đất đai, hàng hóa, dịch vụ, thông tin; giảm thiểu rào cản về địa lý, thủ tục để vận hành ổn định đúng với bản chất quan hệ cung - cầu, bảo đảm đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động; dần thu hẹp việc làm phi chính thức; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia và nhà quản lý vào Việt Nam làm việc.

“Trong nền kinh tế thị trường, phải chấp nhận khi sức lao động được xem là hàng hoá, thì tiền lương là hình thái biến tướng của giá trị hay giá cả sức lao động. Thông qua tiền lương, giá trị và giá cả sức lao động biểu hiện như là hình thái giá trị và giá cả của lao động. Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường, dựa trên cung - cầu về sức lao động, chất lượng, cường độ lao động và mức độ cạnh tranh việc làm”, ông Lợi nhấn mạnh.

Trước tình hình quan hệ lao động có những biểu hiện phức tạp, cần phòng ngừa những tranh chấp lao động có thể phát sinh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang kiến nghị thực hiện quyết liệt các chính sách hỗ trợ người lao động, chú trọng việc phát triển nguồn lao động cho các lĩnh vực sản xuất trọng yếu như điện tử, may mặc, da giày đang có biểu hiện thiếu hụt hiện nay; nâng cao năng lực đào tạo kỹ năng với người lao động để tăng năng suất lao động…

Về lâu dài, ông Khang cho rằng cần có dự báo sự phát triển thị trường, nhất là ở những ngành có hàm lượng tri thức cao, hàm lượng kỹ năng để cung ứng cho thị trường; xây dựng dữ liệu thông tin phục vụ cho thị trường và công bố thông tin về nhu cầu lao động đến từng dự án, chương trình cụ thể; đầu tư hạ tầng cơ bản để phục vụ người lao động ở những địa bàn phát triển công nghiệp như nhà ở, nơi học tập, khám chữa bệnh cho người lao động và gia đình, con em của họ…

Ở góc độ của tổ chức quốc tế, bà Ingrid Christensen, Giám đốc tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trong những ví dụ thành công về tái cơ cấu nền kinh tế và thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế còn rất nhiều việc phải làm. Vấn đề là phải tăng cường được mối quan hệ giữa tăng năng suất lao động với thu nhập thỏa đáng, an sinh bền vững.

Thị trường lao động là một kênh giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm. Tăng trưởng bền vững phải dựa vào tăng trưởng năng suất, trong đó, năng suất lao động là một khía cạnh quan trọng, bởi năng suất lao động gắn với gia tăng thu nhập.

Tăng trưởng năng suất lao động một phần dựa trên phát triển nguồn nhận lực. Ở Việt Nam, các công việc đòi hỏi kỹ năng cao chiếm khoảng 12% tổng số việc làm. Việt Nam hướng đến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 cũng đồng nghĩa với việc số lượng việc làm yêu cầu kỹ năng cao cũng nhiều gấp đôi. Sẽ có lúc Việt Nam đáp ứng được nhu cầu này bởi số lượng công việc đòi hỏi trình độ kỹ năng cao đang tăng nhanh gấp 3 lần tổng số việc làm.

Thị trường lao động của Việt Nam thể hiện rõ đặc tính nhị nguyên. Bên cạnh nhóm lao động trình độ kỹ năng cao có việc làm chính thức, còn có một bộ phận khác gồm những người lao động có kỹ năng thấp làm các công việc phi chính thức năng suất thấp. Lao động có việc làm phi chính thức đã giảm đáng kể ở Việt Nam trong 15 năm qua nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số lao động có việc làm. Tỷ lệ phi chính thức cao nghĩa là hầu hết người lao động Việt Nam kiếm sống dựa vào các hoạt động có năng suất thấp, tạo ra thu nhập thấp và không có bất kỳ sự bảo hộ nào. Sự tăng trưởng dựa vào một thị trường lao động trong đó có hơn 60% lao động không có tiếp cận an sinh xã hội sẽ không bền vững, đặc biệt là trong một xã hội đang có sự già hóa về dân số như Việt Nam.

Chính phủ đã thể hiện cam kết mở rộng bao phủ an sinh xã hội thông qua nhiều chính sách, mới nhất là Chỉ thị 20 về an sinh xã hội và đang sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề phi chính thức không chỉ gói gọn trong khả năng tiếp cận an sinh xã hội. Khi bộ phận này của thị trường lao động vẫn đang có năng suất thấp, trình độ kỹ năng thấp, làm các công việc được trả công thấp, thì Việt Nam sẽ không thể tận dụng tối đa tiềm năng về năng suất lao động của mình. Bà Ingrid Christensen, khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp cận chính thức hóa một cách toàn diện nhất có thể, và thiết lập các cơ chế điều phối liên bộ ngành. Chính thức hóa là hoạt động quan trọng, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mình.

Một trong những ví dụ thành công của Việt Nam đó là mô hình liên kết, đối thoại giữa cơ quan làm chính sách với hệ thống doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng cần được huy động để tham gia vào quá trình đào tạo, tăng năng suất cũng như thu nhập của người lao động. Việc này phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam đến 2030.

Việt Nam cần đảm bảo có được môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả, tôn trọng quyền lợi của người lao động theo tiêu chuẩn được đề ra trong các công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia. Các yêu cầu bình đẳng về giới tính, vùng miền, quốc tịch… cũng là điều kiện cần thiết.

Đại diện tổ chức hợp tác quốc tế Cộng hòa liên bang Đức, TS Juergen Hartwig cho rằng, cải thiện thị trường lao động cần các biện pháp mang tính tích hợp. Đó là dịch vụ phục vụ việc kết nối cung – cầu thị trường, chính sách để thúc đẩy chất lượng đào tạo nhân lực.

Theo đánh giá của ông TS Juergen Hartwig, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, đột phá và có làm được điều đó hay không phụ thuộc vào việc chất lượng nguồn nhân lực. Sớm thúc đẩy được thị trường lao động thích hợp là chìa khóa cho việc thực hiện nhiệm vụ này. Cần xây dựng kỹ năng cơ bản cho các nhà hoạch định chính sách để có những thay đổi phù hợp. Cải thiện và số hóa thông tin về thị trường lao động, việc làm.

Đưa ra một số ưu tiên và khuyến nghị đối với Việt Nam, TS Juergen Hartwig cho rằng trước hết, cần cải thiện quy định về việc làm để cho phép Chính phủ thiết kế, thực hiện, đánh giá các chính sách và chiến lược mới, hướng tới người lao động, người tuyển dụng lao động và người thất nghiệp.

Cần xây dựng kỹ năng cơ bản và kỹ năng số cho những nhà hoạch định chính sách để phân tích hiện trạng và theo đó có những chính sách phù hợp.

Cải thiện và số hóa thị trường việc làm để có những chính sách về thị trường lao động và kỹ năng hiệu quả. Hiện đại hóa và cải thiện các dịch vụ việc làm công. Nâng cao chất lượng của lực lượng lao động thông qua cải thiện chất lượng giáo dục dạy nghề, gồm cả đào tạo ban đầu và suốt đời.

TS Juergen Hartwig cũng khẳng định Tổ chức Hợp tác phát triển Đức sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực.